Polyp túi mật có phải là ung thư không?
(Dân trí) - Polyp túi mật là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là bệnh tương đối phổ biến.
Túi mật là một cơ quan nhỏ có chức năng lưu trữ mật và chuyển nó từ gan đến ruột non.
Mặc dù polyp túi mật có thể là ung thư (ác tính) nhưng khoảng 95% các polyp túi mật là lành tính.
Theo Healthline, kích thước polyp túi mật thường là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ung thư:
- Polyp túi mật nhỏ - đường kính dưới 1cm - thường là lành tính và trong hầu hết các trường hợp, không cần điều trị.
- Polyp túi mật có đường kính lớn hơn 1cm có nhiều khả năng bị hoặc trở thành ác tính.
- Polyp túi mật lớn hơn 2cm có khả năng cao là ác tính.
Trong nhiều trường hợp, người bị polyp túi mật không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số người phàn nàn về việc thỉnh thoảng đau ở phần bên phải của bụng trên, buồn nôn, nôn mửa.
Điều trị polyp túi mật liên quan đến kích thước khối u. Đối với những polyp có đường kính nhỏ hơn 1cm, bác sĩ có thể lên lịch siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của bạn xem có bất kỳ thay đổi nào có thể là dấu hiệu của ung thư hay không. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm bụng hoặc nội soi.
Đối với các polyp có đường kính lớn hơn 1,5cm, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Nhiều bác sĩ khuyến nghị cách điều trị này nếu bạn có cả sỏi mật và polyp túi mật.
Có rất nhiều các yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virus viêm gan… Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.
Thực phẩm có liên quan tới sự hình thành polyp túi mật. Polyp túi mật đa phần là lành tính, nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp.
Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu.
Bạn có thể giảm cholesterol bằng các loại thực phẩm lành mạnh gồm: yến mạch, các loại hạt, đậu, thay chất béo từ động vật bằng thực vật, tăng lượng cá ăn hàng ngày.... Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt.