Phòng xét nghiệm “một cửa” có khả thi?
(Dân trí) - Để trả lời sức khỏe người bệnh có vấn đề gì, bác sĩ cho làm xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh… Như vậy, bệnh nhân thường phải qua nhiều phòng xét nghiệm khác nhau, lặp đi lặp lại việc lấy mẫu bệnh phẩm, chờ đợi… gây tốn máu, thời gian, chi phí tăng.
Ảnh minh họa
Có thể chỉ dùng một ống máu để xét nghiệm được không?
Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện ở thành phố, tỉnh, bệnh viện ngành đều có bốn khoa xét nghiệm: Hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh trùng, giải phẫu bệnh lý, và khoa chẩn đoán hình ảnh. Tổ chức như vậy là cần thiết và đang phát triển chuyên khoa hóa, để có kết quả tốt hơn, sâu hơn cho việc chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Khẳng định như vậy, bên cạnh đó, ta vẫn nên xem có thể cải tiến thế nào, thay đổi thế nào để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, tiện lợi hơn, tránh được những bất cập như đã nêu trên. Ở đây chủ yếu bàn về việc tổ chức hệ thống xét nghiệm.
Quan trọng nhất của xét nghiệm là chính xác. Chẩn đoán chính xác sẽ giúp người thầy thuốc điều trị hiệu quả. Tiếp đó là có kết quả nhanh chóng, thuận lợi cho bệnh nhân, giảm chi phí.
Khoa học, kỹ thuật và công nghệ xét nghiệm hiện nay đã đưa ra những kết quả ngày càng chính xác và nhanh chóng. Đã có những máy xét nghiệm, những hệ thống máy cùng một lúc làm được các xét nghiệm hóa sinh, xét nghiệm miễn dịch, lại có hệ thống làm luôn cả xét nghiệm huyết học (như đếm hồng cầu, bạch cầu vv…) cho ra kết quả nhanh chóng. Vậy không nhất thiết phải đặt 2,3 máy xét nghiệm khác nhau ở những khoa khác nhau.Quan trọng nữa là đã tin học - hóa xét nghiệm, tức là dùng phần mềm máy tính để vận hành, kiểm tra chất lượng, và trả kết quả thẳng cho bác sĩ (xét nghiệm điện tử), để bác sĩ có hướng chẩn đoán. ở nước ta, đã có những máy như vậy, và một số nơi đã sử dụng nhưng còn ít.
Tóm lại, có thể chỉ cần lấy bệnh phẩm (chủ yếu là máu) một lần, ở một nơi và sẽ nhanh chóng trả kết quả ở nơi ấy. Người phụ trách phòng xét nghiệm sẽ dễ kiểm tra sai sót khi đối chiếu các kết quả xét nghiệm thuộc những lĩnh vực khác nhau. Đương nhiên, người phụ trách cần nắm được các lĩnh vực đó. Đây là điều tối ưu. Vấn đề là phải cải tiến công tác tổ chức xét nghiệm để được như vậy.
Tổ chức một "Khoa xét nghiệm y hoc" được không?
Tóm lại, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, nên chăng "Cải tiến việc tổ chức xét nghiệm" (không phải "thay đổi tổ chức") như sau:
1. Giữ nguyên các khoa xét nghiệm hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh hiện có tại các bệnh viện và tổ chức một phòng xét nghiệm y học chung ngay ở khoa khám bệnh, “xét nghiệm một cửa”.
2. Khuyến khích việc tổ chức một khoa xét nghiệm y học tại các nơi mới thành lập. Chỉ tổ chức một khoa xét nghiệm tại tuyến huyện.
3. Chỉ tổ chức một khoa xét nghiệm y học tại các bệnh viện ngoài công lập.
4. Có lộ trình "tin học - hóa xét nghiệm", đưa phần mềm máy tính Lis (Laboratory Informatic System) vào các phòng xét nghiệm.
5. Có lộ trình đào tạo bác sĩ xét nghiệm để quản lý các phòng xét nghiệm y học, bên cạnh việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa hóa sinh, huyết học .v.v. Trước mắt, cần cập nhật kiến thức từng thời hạn cho các bác sĩ chuyên khoa đang làm công tác xét nghiệm y học chung. Vấn đề lớn này sẽ bàn trong một bài khác.
Rất mong nhận được nhiều góp ý về những điều nêu trên.
PGS. TS Hoàng Văn Sơn
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam