1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Phòng bị khi vào vùng dịch

(Dân trí) - Sắp tới, bạn có chuyến đi vào đúng vùng đang xảy ra dịch bệnh như: sốt virus, đau mắt đỏ, sốt rét, sốt xuất huyết… Chắc chắn bạn không thể huỷ chuyến công tác của mình. Vậy làm sao để bạn vào “vùng dịch” mà vẫn an toàn, không bị nhiễm bệnh?

Tới vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét

 

Bệnh sốt xuất huyết, sốt rét lây từ người này sang người khác qua vật trung gian là muỗi. Muỗi anophen truyền bệnh sốt rét và muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đều phát triển mạnh khi gặp các điều kiện mưa, ẩm, có nhiều vũng nước đọng, cây cối um tùm, ẩm thấp… Nhất là ở nông thôn, tập quán chứa nước mưa bằng chum, vại… không che đậy là nơi trú ngụ và sinh sôi rất tốt cho 2 loại muỗi này.

 

Vì vậy, trước khi vào vùng dịch, khi ở trong vùng dịch, bạn nên mặc quần áo dài tay, bôi kem chống muỗi ở những vùng da hở. Còn khi ở trong phòng nên đóng cửa, bỏ rèm che và buổi tối khi đi ngủ, nhất định phải nằm màn. Đó là những biện pháp đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu bảo vệ bạn trước bệnh sốt xuất huyết và sốt rét.

 

Vùng dịch đau mắt đỏ, sốt virus, sốt phát ban Rubella …

 

Đau mắt đỏ, sốt virus là bệnh lây rất nhanh qua đường hô hấp, đôi khi, chỉ qua những giọt nước bọt li ti bắn ra khi nói chuyện cũng bị lây bệnh. Nếu không may “dính” bệnh, bạn không chỉ mệt mỏi mà chuyến công tác khó có thể thành công.

 

Khi vào vùng dịch bệnh này, bạn nên trang bị cho mình khẩu trang, nước sát trùng mũi họng, nước muối sinh lý rửa mắt.

 

Mỗi ngày bạn hãy rửa mắt, nhỏ mũi, súc miệng bằng dung dịch sát trùng. Khi phải đến chỗ công cộng, bạn nên đeo khẩu trang, kính mắt. Không nên bấu tay vào xà lan, cầu thang, thậm chí nút bấm thang máy cũng là nguồn lây bệnh.

 

Những khi ở khu công cộng, không nên đưa tay lên dụi mắt, mũi… và hãy rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng bệnh. Bên cạnh đó, có thể bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

 

Bệnh lây qua đường tiêu hoá

 

Đến vùng đất lạ, lạ nước, lạ cái, khẩu vị… có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hoá. Hơn nữa, tâm lý muốn “khám phá” những món ăn đặc sản ở vùng, ăn quá nhiều thứ có thể khiến bạn bị đi ngoài, chưa kể đến việc bạn ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm độc… Do vậy, tốt nhất bạn không nên ăn những thức ăn lạ, ăn uống điều độ, chọn những nơi sạch sẽ, hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi…

 

Một điều cũng cần chú ý là trước khi vào vùng dịch, bạn hãy tìm hiểu kỹ những vấn đề cơ bản nhất về dịch bệnh đó. Nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều để nhận biết dấu hiệu bệnh, xem mình có bị bệnh hay không để có biện pháp xử trí nhanh nhất.

 

Quan trọng hơn, bạn hãy giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch tay trước khi ăn là biện pháp hữu hiệu giúp bạn phòng vệ trước dịch bệnh.

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết