TPHCM:
Phòng bệnh thờ ơ khiến sốt xuất huyết hoành hành
(Dân trí) - Số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, môi trường, Sở Y tế thừa nhận có sự thờ ơ trong công tác phòng bệnh ở cả cấp chính quyền và người dân.
Trong buổi tiếp xúc báo chí (ngày 20/4) cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn thành có 6.116 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị (1 trường hợp tử vong). Con số trên đã tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 3, trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 250 ca bị sốt xuất huyết được ghi nhận.
Theo nhận định của BS Trí Dũng thì nguyên nhân khiến sốt xuất huyết ở mức cao như hiện tại là do đỉnh dịch của năm 2015 đến trễ. Bệnh sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn cuối mùa dịch, số ca bệnh giảm đều ở các quận huyện, các ổ dịch được khống chế.
Tại khu vực các tỉnh thành phía Nam, bệnh sốt xuất huyết diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, theo phân tích của những nhà chuyên môn thì loại bệnh này thường gia tăng mạnh vào mùa mưa. Nhưng thực tế thì trong giai đoạn mùa khô của năm 2015 bệnh đã bùng phát, kịch bản tương tự lại tiếp tục diễn ra trong 3 tháng đầu của năm 2016.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, sốt xuất huyết tăng mạnh, khó kiểm soát trong những năm qua là do sự tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện môi trường bị ô nhiễm trong quá trình đô thị hóa, tình trạng di dân. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự gia tăng muỗi truyền bệnh, gia tăng số người mắc bệnh không thể không nói đến yếu tố con người.
BS Nguyễn Hữu Hưng chỉ ra, thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại một số địa phương có sự thờ ơ, buông lỏng, người đảm nhận nhiệm vụ phòng dịch bệnh chưa đi sâu, bám sát thực tế địa bàn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt gần như không được quan tâm. Các nguyên nhân trên đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển trên diện rộng.
Ngành y tế và chính quyền địa phương đã bước đầu áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các công trình xây dựng, hộ gia đình để xảy ra tình trạng phế thải chứa nước làm nơi sinh sôi phát triển của muỗi. Tuy nhiên, hình thức xử phạt mới chỉ mang tính chất răn đe và chưa phổ biến nên các điểm sai phạm vẫn tái phạm. Cán bộ y tế dự phòng đến khảo sát tại các hộ gia đình khi phát hiện muỗi, lăng quăng đa phần là năn nỉ người dân tăng cường các giải pháp phòng chống.
Vân Sơn