Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: "Tôi làm mấy chục năm rồi, đâu có bỏ đi"
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân khiến y bác sĩ nghỉ việc, chuyển từ hệ thống công lập sang bệnh viện tư. Trong đó, hầu hết là bác sĩ trẻ, lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng.
Ngày 3/8, Sở Y tế TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn công tác đến tham quan trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với ngành y tế TPHCM.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), có 9 trung tâm y tế quận huyện, 3 bệnh viện đa khoa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đến tham quan, tìm hiểu về kinh nghiệm quản lý chất lượng, mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám vệ tinh…
Ngành y tế Cần Thơ còn rất nhiều khó khăn
Chia sẻ trong buổi làm việc, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong năm qua, bên cạnh một số thành tựu đã đạt được trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế Cần Thơ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, các trung tâm y tế quận, huyện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là năng lực xét nghiệm. Vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng đã bùng phát.
Kế đến, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế. Nhân lực một số bệnh viện thiếu cả số lượng và chất lượng, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý. Cơ sở vật chất nhiều nơi đã chật hẹp, xuống cấp, gây nên tình trạng quá tải.
Một số bệnh viện có trang thiết bị y tế cũ, chỉ đảm bảo tối thiểu. Có đơn vị đã bổ sung, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh kỹ thuật cao.
Theo bác sĩ Giang, trang thiết bị cho công tác kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin y tế triển khai còn chậm, sự liên kết chẩn đoán và đào tạo từ xa giữa các tuyến còn hạn chế.
Ngoài ra, hoạt động truyền thông sức khỏe chưa có nhiều hiệu quả trong việc chuyển từ nhận thức sang hành vi của người dân.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ chia sẻ, việc thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế là tình hình chung. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thứ nhất là vấn đề lập kế hoạch, dự trù mua sắm, đa phần các đơn vị chưa biết thực hiện. Việc bảo dưỡng trang thiết bị sau khi mua sắm cũng chưa được thực hiện tốt, máy móc hư hỏng và không được sửa chữa kịp thời.
Theo bác sĩ Giang, để đầu tư, đấu thầu mua sắm phải theo kế hoạch, không thể muốn là mua ngay. Điều này khiến các trang thiết bị sau một thời gian dài không được sửa chữa, thay mới đã trở nên cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng.
Ngành Y tế Cần Thơ đã chủ động tham mưu với lãnh đạo thành phố, sử dụng các nguồn lực của địa phương và trung ương, đặc biệt là gói kích cầu phát triển kinh tế của Chính phủ.
Hiện tại, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch để cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư một số trang thiết bị thiết yếu cho 9 trung tâm quận, huyện và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).
Cần Thơ mong muốn nâng cấp CDC thành trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực, đảm bảo vấn đề điều tra dịch tễ, chẩn đoán sớm các bệnh dịch.
Bác sĩ trẻ, lương 3-4 triệu đồng nghỉ việc chủ yếu
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề nguồn nhân lực, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ nhìn nhận, có tình trạng nhiều bác sĩ nghỉ việc, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang bệnh viện tư nhân. Nhìn một cách tổng quan, tình trạng này xảy ra nhiều ở thời điểm hậu Covid-19.
Bác sĩ Giang phân tích, các nguyên nhân khiến y bác sĩ nghỉ việc bao gồm vấn đề kinh tế, điều kiện làm việc và lý do cá nhân, hoàn cảnh gia đình.
Qua rà soát của ngành y tế, đối tượng xin nghỉ việc đa phần là bác sĩ trẻ, mới ra trường, nhận mức lương rất thấp, chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Với mức lương này, để đảm bảo nuôi vợ con, sinh hoạt phí chắc chắn không đủ.
Đối tượng kế tiếp là bác sĩ được đào tạo chất lượng cao. Nhóm này có nghỉ việc nhưng không nhiều. Trong các đợt chống dịch vừa qua, hầu như không có bác sĩ nào được đào tạo lâu năm xin nghỉ, trừ trường hợp gần nghỉ hưu, xin nghỉ sớm.
"Việc bác sĩ trẻ xin nghỉ việc tạo nên một hiệu ứng. Mọi người nếu không hiểu rõ sẽ nói ngành y tế bị bạc đãi nên phải bỏ đi. Nhưng thực tế, có những anh chị làm rất lâu năm.
Như tôi đã làm mấy chục năm nay rồi, đâu có bỏ đi. Các đơn vị như Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cũng có thu nhập cao…", bác sĩ Giang chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề chảy máu nhân lực y tế công, ngành y tế đã tham mưu cho lãnh đạo TP Cần Thơ trong việc tăng chế độ đãi ngộ, như xây dựng mô hình nhà ở công vụ, hỗ trợ chi phí đi lại, ăn uống, sinh hoạt cho y bác sĩ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
"Chúng tôi đã xây dựng Nghị quyết, đang trình các Sở, ngành góp ý. Khi Nghị quyết đã thông qua mới có thể thực hiện được", lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ nói.
Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức đoàn công tác tại TPHCM nhằm mục đích tham quan, học tập kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về y tế, công tác phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, mô hình đổi mới sáng tạo nổi bật... nhằm tăng cường năng lực cho ngành y tế địa phương.
Đoàn công tác khoảng 120 thành viên của Cần Thơ sẽ được chia thành từng cụm thuộc các lĩnh vực liên quan đến làm việc cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, Viện Y dược học dân tộc TPHCM, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, Bệnh viện Ung bướu TPHCM... trong hai ngày 3/8 và 4/8.
Sau đó, các đơn vị y tế của 2 địa phương sẽ ký kết song phương bản ghi nhớ hợp tác.