1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM lo không xuể thuốc trị tay chân miệng, nêu kiến nghị với Bộ Y tế

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM dự báo, nếu số lượng bệnh nhi nặng giữ như giai đoạn hiện nay, chắc chắn địa phương có nguy cơ thiếu thuốc IVIG điều trị tay chân miệng từ cuối tháng 7 trở đi, hoặc có thể hết sớm hơn.

Mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo nhanh tình hình dịch tay chân miệng trong giai đoạn hiện nay.

80% ca nặng tại TPHCM từ tỉnh chuyển đến

Theo văn bản, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, tỉnh hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng gia tăng, dẫn đến số ca nặng cũng tăng tại các bệnh viện.

Đến ngày 14/7, TPHCM ghi nhận hơn 7.800 ca mắc mới, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,95%). Riêng trong tháng 6 và hai tuần đầu tháng 7, có 1.774 ca điều trị nội trú, với gần 21% bệnh nhân địa chỉ tại TPHCM.

Ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới, với tỷ lệ nhập viện và ca nặng từ các tỉnh chuyển đến khoảng 80%. Hiện tại, đã có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của TPHCM, đều là bệnh nhi chuyển đến từ các tỉnh, thành khác.

TPHCM lo không xuể thuốc trị tay chân miệng, nêu kiến nghị với Bộ Y tế - 1

Nhiều trẻ bệnh tay chân miệng nặng được các tỉnh chuyển đến TPHCM điều trị (Ảnh: KD).

Về diễn tiến bệnh, số ca mắc hàng tuần bắt đầu tăng từ tuần thứ 20 và tăng nhanh từ tuần thứ 24 đến nay, với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao.

Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế, bệnh viện quận huyện và Trạm Y tế phường xã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng với 3 tình huống, cũng như thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng.

Hiện nay, TPHCM đang ở tình huống dịch thứ 2 theo kế hoạch đã xây dựng (tức có từ 50-100 ca nhập viện mới/ngày, 200-700 ca đang điều trị nội trú, 20-70 ca nặng ứng với quy mô 700 giường bệnh, 80 giường hồi sức tích cực).

Theo nhận định của các chuyên gia, chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như IVIG (Immunoglobulin), Phenobarbital... tại các tỉnh phía Nam là nguyên nhân TPHCM phải tiếp nhận nhiều ca bệnh nơi khác chuyển đến.

Trong đó, có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.

TPHCM lo không xuể thuốc trị tay chân miệng, nêu kiến nghị với Bộ Y tế - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế thăm trẻ mắc tay chân miệng nặng, điều trị ở TPHCM (Ảnh: KD).

Thời điểm thiếu thuốc đến gần

Về cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng, theo Sở Y tế TPHCM, tuy đã có chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ của Thành phố dự kiến không đủ đáp ứng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh như hiện nay.

Cụ thể, số lượng thuốc IVIG sử dụng mỗi ngày tăng từ 80-150 lọ (từ ngày 7/7 đến 13/7) lên xấp xỉ 200 lọ thuốc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, và dự kiến đến cuối tháng 8/2023 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo với số lượng hạn chế.

Trước tình hình trên, chắc chắn ngành y tế Thành phố có nguy cơ thiếu IVIG trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 trở đi hoặc có thể hết sớm hơn nếu tình hình tiếp tục gia tăng nhanh.

Trong bối cảnh trên, Sở Y tế đã ban hành chỉ đạo về việc, thuốc IVIG được chỉ định liều 1 đối với nhóm bệnh nhân tay chân miệng độ 2b nhóm 2, độ 3 hoặc độ 4. Khi người bệnh chuyển độ nặng hơn hoặc triệu chứng của độ 3 chưa cải thiện sẽ được chỉ định liều 2.

Song song đó, TPHCM tập trung nỗ lực truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ bùng phát dịch bệnh và cung cấp kiến thức phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch bệnh và tác nhân gây bệnh.

TPHCM lo không xuể thuốc trị tay chân miệng, nêu kiến nghị với Bộ Y tế - 3

Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch tay chân miệng trong các trường mầm non (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối một số tỉnh thành phố có năng lực điều trị tay chân miệng, như Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai… tiếp nhận người bệnh các tỉnh lân cận.

Điều này nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, kiến nghị Cục Quản lý Dược sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG (nếu có); kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị cho các tỉnh phía Nam.