Phẫu thuật tim hở thành công cho bé gái hơn 3 tháng tuổi

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 23/8, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đơn vị đã phẫu thuật tim hở thông liên thất cho bé gái hơn 3 tháng tuổi.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, gia đình bệnh nhi P.B.T. (3 tháng 20 ngày tuổi, nặng 4,5kg, trú tại xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã phát hiện cháu mắc bệnh tim bẩm sinh và đưa đến khám tại bệnh viện.

Khoa Nội tim mạch phối hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của bệnh viện đã tiến hành siêu âm Doppler màu tim và chụp cắt lớp vi tính.

Phẫu thuật tim hở thành công cho bé gái hơn 3 tháng tuổi - 1

Người mẹ hạnh phúc khi con gái hồi phục tốt sau ca mổ tim hở (Ảnh bệnh viện cung cấp).

Qua kết luận của bác sĩ, cháu P.B.T. mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên thất rộng kèm thiểu sản phổi trái.

Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã tổ chức hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị.

Ngày 14/8, ekip phẫu thuật tim của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bằng phương pháp vá lỗ thông liên thất bằng tim tự thân.

Sau mổ 4 ngày, bé được đưa ra khỏi phòng hồi sức tim, tình trạng sức khỏe ổn định và bú mẹ tốt.

Theo các bác sĩ, thông liên thất ở trẻ sơ sinh gây ra các triệu chứng như khó thở, ăn uống kém, chậm tăng cân ở hầu hết trẻ. Thông liên thất xảy ra khi có sự xuất hiện của một hay nhiều lỗ nằm trên vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải.

Khi đó, máu giàu oxy từ tâm thất trái đổ vào tâm thất phải và lên thẳng động mạch phổi, làm tăng thể tích và áp lực trong hệ tuần hoàn phổi và tăng lượng máu trở về tim trái. Đồng thời, tim cần phải làm việc nhiều hơn, lâu dần khiến tim bị giãn.

Thông liên thất không kèm bệnh tim bẩm sinh nào khác chiếm 37% tổng số bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Sàng lọc ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ thông liên thất chiếm khoảng 0,3%. Có tới 90% các trường hợp lỗ thông liên thất có thể tự bít trong năm đầu đời hoặc trước 10 tuổi.

Trường hợp lỗ thông liên thất có kích thước từ trung bình đến lớn có thể gây ra các biến chứng bất lợi cho trẻ như tăng áp động mạch phổi, rối loạn chức năng tâm thất và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Khi đó, trẻ cần điều trị bằng phẫu thuật hoặc thông tim để đóng lỗ thông, tránh các biến chứng nguy hiểm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi, phát triển bình thường của trẻ.

Hiện tại, sức khỏe của cháu P.B.T. ổn định và dự kiến sẽ được ra viện vào tuần sau.