Phẫu thuật tái tạo ngực giúp người bệnh ung thư vú tự tin hơn
(Dân trí) - Việc mất đi "biểu tượng của sự nữ tính" khiến người bệnh ung thư vú sống trong lo âu và mặc cảm. Với sự phát triển của y khoa hiện đại, phẫu thuật tái tạo ngực giúp khôi phục lại hình dáng vú ban đầu, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho phái đẹp.
Tái tạo vú là phương pháp phẫu thuật được bác sĩ sử dụng để tạo ra vú mới sau khi điều trị đoạn nhũ (cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần vú). Mục tiêu của tái tạo vú là nhằm khôi phục lại hình dáng và kích thước tương đương với vú tự nhiên trước khi phẫu thuật. Để đạt được mục tiêu này, bác sĩ cần thực hiện nhiều bước phức tạp, bao gồm tái tạo thể tích, làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
Thời điểm tái tạo vú
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ tiến hành phẫu thuật tái tạo vú ngay sau khi cắt bỏ (tái tạo vú tức thì) hoặc thực hiện tái tạo sau khi điều trị hỗ trợ ung thư vú (tái tạo trì hoãn). Bác sĩ sẽ cân nhắc đến các yếu tố như: loại ung thư và giai đoạn ung thư; các phương pháp điều trị khác (hóa trị, xạ trị); cảm xúc, sở thích, tình hình sức khỏe và tâm lý của người bệnh để tư vấn chọn lựa điều trị cá thể hóa.
BS.CKI. Phạm Cao Thành (Đơn vị Nhũ, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết: "Đa số phụ nữ thường lo lắng về kết quả sau phẫu thuật tái tạo. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ cho người bệnh xem hình ảnh các loại tái tạo khác nhau và thực tế là họ sẽ thấy kết quả của quá trình tái tạo ngay sau khi phẫu thuật và vài tháng sau đó".
Các loại vật liệu tạo hình vú
Mục đích của tái tạo là tạo ra vú phù hợp với bên vú còn lại của người bệnh nhiều nhất có thể. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn, trao đổi về phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh lý và sức khỏe của người bệnh. Những vật liệu để tạo ra một tuyến vú mới bao gồm:
Túi độn: để thay thế tất cả hoặc một số mô vú.
Vật liệu tự thân: sử dụng mô lấy từ một bộ phận khác của cơ thể, có cuống hoặc không có cuống.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng kết hợp cả hai loại vật liệu này để tạo nên vú hoàn chỉnh.
Đối tượng có thể thực hiện tái tạo vú
Nếu sức khỏe đảm bảo, người bệnh có thể thực hiện tái tạo vú ở nhiều lứa tuổi ngay cả khi đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để. Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng có nguy cơ biến chứng cao hơn trong các trường hợp người bệnh có thói quen hút thuốc, thừa cân hoặc mắc các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác. Bác sĩ có thể cải thiện vẻ ngoài của vú bằng nhiều cuộc phẫu thuật hơn sau phẫu thuật cắt bỏ vú.
Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện tái tạo vú
Người bệnh có thể phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật tái tạo khi thực hiện những lưu ý sau:
Bỏ thuốc lá: hút thuốc có thể làm giảm lượng máu cung cấp đến mô, gây ra vấn đề trong việc chữa lành vết thương sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc tái tạo vú, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Trong trường hợp mô được lấy từ bụng sẽ có nguy cơ thoát vị.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: tình trạng thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phẫu thuật. Sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh đạt được hiệu quả giảm cân trước khi phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật điều chỉnh bên vú còn lại (làm to, thu nhỏ hoặc treo vú giúp vú không bị xệ) để trông cân đối hơn, phù hợp với bộ ngực mới, tùy theo nguyện vọng và lựa chọn của người bệnh.
Từ những kinh nghiệm thực tế, các bác sĩ tại Đơn vị Nhũ, Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật bảo tồn, phẫu thuật tái tạo vú trong và sau điều trị ung thư. Đồng thời, bệnh viện cũng xây dựng thành công chương trình quản lý toàn diện với quy trình khép kín từ tầm soát, chẩn đoán, điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị giúp người bệnh an tâm điều trị.
Tháng 4/2024, Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và là cơ sở thứ 2 ở Đông Nam Á lắp đặt hệ thống cộng hưởng từ cao cấp MRI 3.0 Tesla SignaTM Hero. Đây là hệ thống chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, giúp phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác ung thư vú ở các đối tượng có nguy cơ cao, an toàn với cả phụ nữ mang thai.