Phát hiện u tuyến giáp lành tính có cần phẫu thuật?
(Dân trí) - Hơn 95% u tuyến giáp là lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên việc điều trị khối u vẫn cực kỳ cẩn thận, tránh trường hợp u to gây mất thẩm mỹ hoặc khối u tiến triển thành ung thư.
U tuyến giáp lành tính là gì?
Theo Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, u tuyến giáp lành tính là những khối u bướu chứa đầy chất rắn hoặc chất lỏng hình thành bên trong tuyến giáp. Tỷ lệ mắc u tuyến giáp sẽ tăng lên theo độ tuổi và có tỷ lệ ở nữ giới cao gấp 5 lần so với nam giới. Theo thống kê, bệnh u tuyến giáp lành tính có tỷ lệ mắc 30% ở người từ 18 - 60 tuổi. Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
Bệnh u tuyến giáp lành tính thường có các biểu hiện như: sờ thấy khối u nổi lên ở cổ, nổi hạch to, ho mãn tính kéo dài không rõ nguyên nhân, khàn tiếng, khó nuốt, khó thở, đau vùng cổ.... Hầu hết các triệu chứng này không rõ ràng và khó phát hiện. Khi khám sức khỏe hoặc thực hiện tầm soát, sàng lọc bệnh lý tuyến giáp sẽ cho kết quả chính xác.
U tuyến giáp lành tính có cần điều trị không?
U tuyến giáp lành tính là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp bệnh nhân còn không biết mình đã mắc bệnh do khối u nhỏ và tự chữa lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như thế. Để biết mình cần điều trị bệnh hay không, người bệnh cần thực hiện khám lâm sàng, siêu âm, cũng như xét nghiệm hormone tuyến giáp. Những xét nghiệm này nhằm xác định được vị trí, kích thước, số lượng và tính chất của các nhân giáp. Khi phát hiện được khối u là lành tính hay ác tính, bệnh nhân sẽ có được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Với u tuyến giáp lành tính, nếu khối u có kích thước chỉ từ 1 - 2cm, người bệnh chỉ cần theo dõi sức khỏe và tạm thời chưa phải điều trị. Sau đó bệnh nhân sẽ được tái kiểm tra, nếu không u không thay đổi về hình dáng, khối lượng và kích thước thì không cần điều trị. Nếu khối u lớn hơn, cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác và phải điều trị càng sớm càng tốt.
Các phương pháp điều trị u tuyến giáp lành tính
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc kháng giáp là một biện pháp phổ biến trong điều trị u tuyến giáp lành tính. Phương pháp này áp dụng với nhân giáp có kích thước đường kính trung bình từ 2 - 3cm. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả và thực hiện các biện pháp khác nếu khối u chưa biến mất hoàn toàn.
Việc điều trị bằng thuốc kháng giáp sẽ phát tín hiệu đến tuyến yên, ngăn chặn sự sản sinh TSH ở tuyến giáp.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho u tuyến giáp lành tính có kích thước từ 4cm trở lên. Lúc này, khối u đã phát triển kích thước lớn, người bệnh có thể dễ dàng sờ thấy và thấy khối u di chuyển khi nuốt. Nếu bướu lành tuyến giáp đa nhân, kích thước lớn thì phẫu thuật là phương pháp cần thiết.
Trường hợp khối u bị nghi ngờ ác tính cũng cần mổ ngay lập tức. Nếu người bệnh lo lắng khi mổ xong sẽ để lại sẹo mất thẩm mỹ thì có thể lựa chọn phương pháp mổ nội soi.
Chọc hút dịch
Với trường hợp khi siêu âm hoặc xét nghiệm phát hiện dịch bên trong nhân tuyến giáp ở dạng lỏng thì cần thực hiện phương pháp chọc hút dịch. Sau đó, bệnh nhân được lấy tế bào tuyến giáp đem đi xét nghiệm. 50% bệnh nhân sau khi chọc hút một vài lần dịch trong các nang nước sẽ tự biến mất, khối u cũng dần biến mất. Nếu khối u tuyến giáp vẫn còn, bệnh nhân sẽ được điều trị chọc hút thêm đến khi chúng biến mất hoặc thực hiện phương pháp điều trị khác.
Đốt khối u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Đốt khối u bằng sóng cao tần là phương pháp điều trị hiện đại nhất hiện nay trong chữa u tuyến giáp lành tính. Phương pháp này không gây đau cho người bệnh, thời gian nằm viện cực kỳ ngắn. Bác sĩ sẽ sử dụng sóng cao tần tiêu diệt các tế bào và mạch máu trong khối u tuyến giáp. Người bệnh không cần mổ mà chỉ có một đường chọc kim siêu nhỏ kích thước 3mm ở vùng cổ. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn bướu nhân giáp mà không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, đồng thời cũng không để lại sẹo.