TPHCM:
Phát hiện mứt chứa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép nhiều lần
(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm mẫu mứt dừa tại cơ sở chế biến Phước Thành cho thấy hàm lượng CaO lên đến 60mg/kg, natribenzoat cũng vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Cơ sở đã bị đoàn thanh tra liên ngành đình chỉ hoạt động, chờ xử lý.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm thành phố cho biết, ngày 4/3 chi cục đã nhận được kết quả kiểm nghiệm mẫu mứt tại cơ sở sản xuất Phước Thành (xóm đất, phường 9, quận 11).
Trước đó, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra việc sản xuất tại cơ sở này. “Chúng tôi ghi nhận tình trạng không đảm bảo vệ sinh từ trong ra ngoài, không gian chật hẹp việc sản xuất mứt diễn ra ngay trên vỉa hè, công nhân làm việc tại cơ sở không được kiểm tra sức khỏe định kỳ… Đây là cơ sở sản xuất mứt đã hoạt động từ trước năm 1975”, bà Mai cho hay.
Từ thực tế trên đoàn kiểm tra đã quyết định lập biên bản tịch thu 250kg mứt thành phẩm không đảm bảo an toàn mang đi tiêu hủy. Mẫu mứt dừa tại cơ sở này cũng được gửi đi kiểm nghiệm. “Kết quả cho thấy cơ sở đã sử dụng vôi (CaO loại chất không có trong danh mục các chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm) để sản xuất mứt hàm lượng CaO lên tới 60mg/1kg, Ngoài ra hàm lượng natribenzoat (chất bảo quản) cũng vượt ngưỡng nhiều lần cho phép.
Trước mắt, cơ quan chức năng đã tiến hành đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở Phước Thành đồng thời củng cố hồ sơ tiếp tục xử lý. Được biết, đây là cơ sở đã nhiều lần bị phát hiện và xử lý các vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến mứt. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vẫn được Sở Công thương cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất.
Cùng với cơ sở Phước Thành, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong đợt thanh kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên Đán vừa qua, các đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất mứt trên địa bàn quận 3, thuộc khu vực cư xá đường sắt. Tại đây có khoảng 15 cơ sở đang hoạt động nhưng chỉ có 10 cơ sở có đủ giấy phép. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy cán bộ phường đã có hành vi bao che, tắc trách không dẫn đoàn đến những cơ sở sản xuất không phép.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế nhận định, những cơ sở sản xuất thực phẩm đã được cấp phép tức họ được quản lý về chất lượng bởi cơ quan chức năng. Nhưng trên địa bàn thành phố đang tồn tại rất nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chưa được cấp phép nhưng vẫn tồn tại nhiều năm qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm bị bỏ ngỏ. Ông Hữu Hưng yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết xử lý cơ sở không phép, cơ sở sai phạm để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Vân Sơn