Phát hiện bệnh gan qua xét nghiệm nước bọt
(Dân trí) - Bệnh viêm gan E lây nhiễm cho khoảng 20 triệu người trên thế giới mỗi năm và làm chết hơn 56.000 người.
Viêm gan E là gì?
Bệnh viêm gan siêu vi E (gọi tắt là bệnh viêm gan E) do virus viêm gan E gây ra. Loại virus này được tìm thấy ở mọi nơi, nhiều nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á. Bệnh bùng phát theo từng chu kỳ, theo những mùa mưa lớn gây ra lũ lụt.
Khác với viêm gan A, đa số bệnh nhân sau khi tiếp xúc với virus sẽ bị lây bệnh thì virus viêm gan E chỉ gây bệnh với tỉ lệ rất thấp, từ 1 đến 10%. Độ tuổi dễ bị lây bệnh nhất là từ 15 đến 40 tuổi, người đang mang thai, nhất là vào 3 tháng cuối cùng.
Ngày nay, virus viêm gan E được coi là nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây ra dịch viêm gan lây qua đường tiêu hóa.
Con đường lây nhiễm
Viêm gan E là bệnh truyền nhiễm nên bất cứ ai cũng có thể bị bệnh. Bệnh viêm gan E dễ lây từ người này qua người khác, qua nước uống và thức ăn bị nhiễm virus viêm gan E. Trong đó, dễ lây nhất là con đường từ phân đến miệng. Bệnh viêm gan E đôi khi lây qua máu và hầu như không lây qua đường tình dục.
Triệu chứng
Viêm gan E có triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần lễ, thường rất nhẹ và nhất thời. Bệnh không gây hậu quả lâu dài như viêm gan B, C, D. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ mang thai.
Thời gian ủ bệnh thường từ 15 đến 60 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Ban đầu bệnh nhân thường nóng nhẹ, mệt mỏi, đau nhức toàn thân như cảm cúm. Sau đó mắt và da dần chuyển vàng, phân có màu nhạt như đất sét, nước tiểu đậm màu kèm khó chịu ở bụng, đau lâm râm, buồn nôn và nôn.
Một số bệnh nhân có hiện tượng nổi mề đay, tiêu chảy, đau xương khớp.
Khi mắc viêm gan E, đa số bệnh nhân không cần chữa, bệnh sẽ từ từ giảm dần và biến mất. Một số trường hợp hiếm hoi, gan bị tàn phá nhanh và người bệnh có thể tử vong nếu không được ghép gan.
Chẩn đoán viêm gan E
Theo Phó Giáo sư Christopher D Heaney của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) thì virus viêm gan E không được biết đến nhiều như các loại virus khác gây ra bệnh viêm gan. Cách duy nhất trước đây để phát hiện HEV là xét nghiệm máu hoặc kiểm tra phân. Cả hai loại mẫu này thường khó thu thập từ bệnh nhân và việc đánh giá mẫu đòi hỏi nhiều yêu cầu về nguồn lực và kỹ thuật, thường bị hạn chế ở các nước chậm phát triển.
Tuy nhiên, gần đây khoa học đã phát hiện phương pháp chẩn đoán viêm gan E mới thông qua xét nghiệm nước bọt và cho kết quả khả quan.
Nếu xét nghiệm máu sử dụng nền tảng chẩn đoán phổ biến là xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzym (ELISA) thì thử nghiệm nước bọt sử dụng một nền tảng khác. Trong đó, kháng nguyên được gắn vào các hạt huỳnh quang, những hạt này có thể lưu thông dễ dàng hơn qua chất lỏng và có khả năng gặp nhiều kháng thể chống lại bệnh tật hơn nếu chúng có trong nước bọt.
Ưu điểm của công nghệ dựa trên hạt này là cho phép kiểm tra nhiều loại kháng nguyên khác nhau trong cùng một mẫu nước bọt. Do đó, có thể xác định được nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau thông qua một mẫu bệnh phẩm.
Việc áp dụng phương pháp xét nghiệm nước bọt trước đó đã được thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân và cho kết quả gần như khớp với kết quả xét nghiệm ELISA. Xét nghiệm nước bọt cũng đạt điểm cao về độ nhạy và độ đặc hiệu, cũng như các chỉ số quan trọng để đánh giá độ chính xác của kết quả.
Khảo sát cho thấy, phương pháp xét nghiệm nước bọt nhận được nhiều phản hồi tích cực của bệnh nhân hơn so với các phương pháp khác, đồng thời không có nhiều yêu cầu cao trong bảo vệ mẫu và kỹ thuật xử lý kim tiêm như trong xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, phương pháp này đã đơn giản hóa việc xét nghiệm viêm gan E trong thực tế.