Phát hiện bé 5 tuần tuổi ở TPHCM mắc bệnh "hiểm" ở não chỉ sau 2 ngày sốt
(Dân trí) - Căn bệnh nguy hiểm ở não này ngay cả khi được điều trị phù hợp vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Đáng chú ý, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, triệu chứng thường không rõ ràng.
Ngày 20/3, thông tin với Dân trí, bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, chỉ trong ít ngày qua, nơi đây đã tiếp nhận hai trường hợp trẻ mắc viêm màng não nguy hiểm.
Trong đó, có một cháu bé 6 tuổi, nhập viện với số lượng bạch cầu trong dịch não tủy tăng lên đến 1.400 tế bào, rất cao so với bình thường.
Trường hợp thứ hai là một bé gái 5 tuần tuổi, nhập viện vì sốt liên tục 2 ngày. Ngoài triệu chứng này, trẻ không có các triệu chứng bất thường nào khác. Dù vậy, khi thấy con lừ đừ kèm sốt, người mẹ lo lắng nên đã đưa đi khám sớm và được chỉ định nhập viện.
Tại khoa Nhi tổng hợp, bé sốt 38,5 độ C. Quá trình khám toàn thân, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có tình trạng thóp phồng, các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường, không dấu xuất huyết, nên nghĩ đến bệnh viêm màng não. Ngay lập tức, trẻ được chọc dò dịch não tủy, ghi nhận bạch cầu trong dịch tăng (từ 81 tế bào lên 194 tế bào), đạm tăng, đường giảm, phù hợp với chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn như nhận định ban đầu.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa Nhi và khoa Dược, Cận lâm sàng, trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo phác đồ. Trải qua 12 ngày điều trị kháng sinh, trẻ tỉnh táo, hồng hào, bú tốt, tăng cân và hiện đã được xuất với các kết quả xét nghiệm ở ngưỡng cho phép (bạch cầu dịch não tủy giảm còn 5 tế bào, sinh hóa cải thiện).
Theo y văn, viêm màng não vi khuẩn là tình trạng viêm màng nuôi, màng nhện và khoang dưới nhện do tác nhân vi khuẩn. Ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị phù hợp, viêm màng não vi khuẩn vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ, như nhiễm trùng máu, ảnh hưởng chức năng vận động, tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh, thậm chí tử vong.
Đáng chú ý, ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng, khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ thường sốt cao, quấy khóc, ngủ gà, bú kém hoặc bỏ bú, giảm vận động, thóp phồng. Mặt khác ở tháng tuổi này, vì trẻ chưa biết nói để thể diễn tả tình trạng sức khỏe bản thân, nên dễ bỏ sót. Đối với trẻ lớn, thường có các triệu chứng đau đầu, nôn ói, sợ ánh sáng, co giật, cổ gượng.
Do đó, phụ huynh cần lưu ý việc sốt cao ở trẻ nhũ nhi (trên 38,5 độ C), để cho trẻ đi khám và chẩn đoán bệnh kịp thời, tránh chủ quan, gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến các hậu quả nặng nề.
Để phòng ngừa bệnh viêm màng não, phụ huynh cần chú ý vệ sinh, ăn uống, rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm phòng các vaccine ngừa viêm màng não như Hib, phế cầu, não mô cầu đúng và đủ liều.