Phải làm gì khi bác sĩ không thể tìm ra bệnh?
(Dân trí) - Nếu rất nhiều lần khám xét với rất nhiều chuyên gia không đưa ra được cho bạn một chẩn đoán, thì internet cũng sẽ chẳng thể làm được việc đó. Vậy bạn phải làm gì khi các bác sĩ không thể tìm ra bệnh?
Bạn muốn biết có điều gì không ổn đang xảy ra với mình. Bạn muốn có một chẩn đoán để giải thích cho cái đau của mình. Bạn muốn có một cái tên mà bạn có thể nghiên cứu trên internet. Bạn muốn có một cách chữa trị. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Nó không phải là lời chỉ trích.
Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng bác sĩ không cố trả lời cho câu hỏi này. Họ tìm kiếm thứ mà họ có thể sửa chữa. Tuy chẩn đoán là một phần quan trọng của y học, nó không phải là điều mà các bác sĩ thực sự hướng tới.
Thực ra mà nói, các bác sĩ không quan tâm tới tên của căn bệnh giải thích cho cái đau của bạn – họ chỉ muốn biết làm thế nào để xử lý nó. Lý do thực sự khiến các bác sĩ cần một chẩn đoán là vì nó cho biết cách điều trị.
Phải thừa nhận rằng sự khác biệt ở đây là rất tinh tế. Nó có thể sẽ bị “ném đá” dữ dội. Những bình luận như "Tất nhiên là các bác sĩ phải tập trung vào việc chẩn đoán. Làm thế nào có thể ngăn chặn cơn đau nếu không biết cái gì gây ra cơn đau?". Những ý kiến này tất nhiên là đúng, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt quan trọng trả lời cho câu hỏi của bạn. Điều này sẽ được giải thích dưới đây...
Khi bạn đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bạn nghĩ rằng mình đang hỏi họ "Điều gì đang làm tôi bị đau?" Nhưng không phải vậy. Thực ra bạn đang hỏi họ "Có phải có vấn đề nào đó ở đường tiêu hóa đang làm tôi bị đau không?"
Bạn đang hỏi một câu hỏi Có hoặc Không. Khi câu trả lời là Có, thì công việc của bác sĩ bắt đầu. Công việc của bác sĩ nội tiêu hóa, hoặc bác sĩ ngoại tiêu hóa, là “sửa chữa” cái đau mà hệ tiêu hóa đang gây ra cho bạn. Thật không may, khi câu trả lời là Không, công việc của họ kết thúc. Không có gì ở đường tiêu hóa của bạn mà họ có thể “sửa chữa” để chữa khỏi cái đau cho bạn. Nếu sau đó bạn cố gặng hỏi họ, "Vâng, vậy thì cái gì làm tôi bị đau?" Câu trả lời của họ sẽ là "Không phải đường tiêu hóa làm bạn bị đau".
Trước khi nổi giận vì câu trả lời “vớ vẩn” này, trước tiên hãy xem xét tất cả những câu hỏi mà các bác sĩ đã trả lời cho bạn. Hãy tập trung vào những kết quả kì diệu của buổi khám bệnh. X-quang, CT, và nội soi đã không tìm thấy bất cứ điều gì để giải thích cho các triệu chứng của bạn. Đây là một tin tuyệt vời và hẳn là bạn phải vui mừng khôn xiết.
Bạn không bị ung thư ruột, viêm túi thừa, viêm đại tràng hoặc bệnh viêm ruột, nhồi máu ruột, không có ung thư buồng trứng, u nang xoắn hoặc vỡ, không bị ung thư tử cung hoặc u xơ tử cung, không bị xoắn tinh hoàn, không bị thoát vị nghẹt, không bệnh bạch cầu hoặc u lympho, không sỏi thận hoặc ung thư, không chửa ngoài tử cung, không áp xe, không xuất huyết hay máu tụ, và không phình mạch hoặc phình tách mạch.
Xin chúc mừng - tình hình của bạn giờ đây tốt hơn so với rất nhiều người cũng đi khám những bác sĩ này vì bị đau vùng bụng dưới bên trái.
Các bác sĩ đã phải làm rất nhiều việc, và đã trả lời rất nhiều câu hỏi. Trong thực tế, câu hỏi duy nhất mà họ không trả lời là "Điều gì gây ra cơn đau của tôi?" Và, như đã nói ở trên, đó không phải là công việc của họ.
Bây giờ, khi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá và tiết niệu không tìm thấy nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn, chúng ta có một số khả năng:
1. Có thể là bác sĩ của bạn đã vội vàng và bỏ sót điều gì đó
Bạn không nên nhắm mắt tin vào một bác sĩ - họ là con người và con người thì luôn có sai lầm.
Có thể có vấn đề với đường tiêu hóa của bạn đã bị bỏ qua và việc đi tìm một ý kiến thứ hai là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, nếu cả bác sĩ thứ hai cũng nhất trí với bác sĩ thứ nhất, thì là lúc bạn nên từ bỏ niềm tin rằng tất cả các loại máy chụp chiếu và các chuyên gia đã bỏ sót một cái gì đó, mà nhiều khả năng vấn đề không phải là đường tiêu hóa của bạn.
2. Có thể các triệu chứng của bạn là biểu hiện sớm của bệnh không thể phát hiện ở giai đoạn này
Việc này luôn xảy ra. Nếu bạn đi khám vì ngứa họng, và không thấy gì khi khám (hoặc khi chụp), thì không thể đưa ra một chẩn đoán xác định tại thời điểm đó. Không có bác sĩ hay xét nghiệm nào giúp được bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn quay lại trong một vài ngày với đau họng, chảy nước mũi và ho, thì các bác sĩ có thể tự tin nói rằng ngứa họng là khởi đầu của một nhiễm trùng. Trong những tình huống như vậy, sự thay đổi của bạn theo thời gian đảm bảo cho chẩn đoán.
Vì lý do này, bạn không nên mặc định rằng vì trước đây các bác sĩ không thể tìm ra bệnh thì sau này họ cũng sẽ không tìm được. Thay vào đó, hãy theo dõi các triệu chứng mới. Chúng có thể là đầu mối để chẩn đoán. Hãy ghi lại bao gồm ngày, giờ và những gì đang xảy ra tại thời điểm đó. Thảo luận với bác sĩ của bạn.
3. Bạn có thể mắc một căn bệnh mà đơn giản là các bác sĩ chưa biết gì về nó
Các bác sĩ luôn phải học hỏi. Ví dụ, viêm loét dạ dày từ lâu vẫn được cho là liên quan đến stress, cho đến khi một bác sĩ tên là Barry Marshall giành giải thưởng Nobel bằng cách gây loét dạ dày cho chính mình.
Chính các bác sĩ đã tự tin nói rằng cần giảm stress thì bây giờ lại bảo chúng ta phải điều trị Helicobacter pylori để chữa loét dạ dày. Nhỡ đâu ai đó lại được nhận giải thưởng Nobel vì đã phát hiện ra nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng thì sao.
4. Có thể là bạn đang đi khám nhầm phòng
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ xem xét đường tiêu hóa của bạn. Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu xem xét đường tiết niệu. Trong khi có thể chẩn đoán của bạn lại nằm ở phòng khám của bác sĩ thần kinh vì nó gây ra bởi sự tác động thần kinh. Bạn cũng có thể tìm thấy chẩn đoán ở phòng khám của một bác sĩ chuyên khoa nào đó khác. Tuy nhiên, bạn không nên bắt đầu một tour du lịch đến đủ các bác sĩ chuyên khoa để yêu cầu từng người một giải thích xem liệu cái đau của bạn có phải là do lĩnh vực của họ gây ra hay không. Đây là một con đường rất tốn kém, và không hiệu quả để nhận được chẩn đoán.
Thay vào đó, hãy tìm kiếm một bác sĩ chung nhất, người sẽ bắt đầu rà soát hết mọi khả năng theo trình tự hợp lý - từ nhiều nhất đến ít nhất. Họ có thể chuyển bạn đến khám bác sĩ chuyên khoa nếu câu chuyện của bạn, hoặc thăm khám, cho thấy điều đó là cần thiết. Họ cũng có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc. Sự lựa chọn rõ ràng nhất sẽ là một bác sĩ gia đình hoặc một bác sĩ đa khoa tốt.
5.Khi bạn tiếp cận với bác sĩ chung này, bạn không nên “chặn họng” họ.
Đừng khăng khăng đòi được xét nghiệm bệnh Thyrosaki vì bạn đọc về nó trên mạng và nghĩ rằng đúng là mình bị bệnh này. Điều này rất hay xảy ra, và kết cục là bác sĩ sẽ chỉ có thể nói rằng bạn không bị bệnh Thyrosaki.
Hãy kể cho bác sĩ biết câu chuyện của bạn và bắt đầu cuộc hành trình dài rà soát từng khả năng hợp lý. Nếu bạn đã tìm được một bác sĩ đa khoa tốt, hãy gắn bó với họ và cho họ cơ hội để nghiên cứu hết mọi khả năng cho đến khi hoàn thành.
Đừng chạy hết bác sĩ này đến bác sĩ khác với hy vọng rằng một trong những người tiếp theo sẽ đoán trúng căn bệnh hiếm gặp của bạn ngay lần khám đầu tiên.
Mỗi khi bạn chuyển bác sĩ, họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Đó là điều mà các bác sĩ giỏi phải làm. Họ luôn kiểm tra công việc của đồng nghiệp của họ.
6. Đừng nhắm mắt tin vào một bác sĩ, nhưng chắc chắn cũng đừng nhắm mắt tin vào internet.
Internet đầy ắp những câu chuyện về những người phải chịu đựng trong nhiều năm, và đi khám rất nhiều chuyên gia, trước khi vô tình gặp được “ông Bụt” đã chẩn đoán ra được vấn đề của họ và, tất nhiên, bán cho họ thứ thuốc chữa khỏi bệnh.
Bạn sẽ tìm thấy những người tuyên bố y học hiện đại không biết hết mọi thứ và chứng tỏ sự điên rồ của họ là sự thật và phương pháp điều trị chưa được chứng minh của họ có hiệu quả. Bạn sẽ tìm thấy các nhóm hỗ trợ và kiến nghị của những người muốn bệnh của họ được thừa nhận mặc dù các xét nghiệm không cho thấy bất kỳ điều gì bất thường.
Mỗi khi một bác sĩ thành thật nói với ai đó "Tôi không biết có vấn đề gì không ổn với bạn” thì ngay lập tức sẽ có những người kém thành thật hơn nhao nhao muốn bán cho bạn thứ gì đó "có thể hiệu quả".
Hãy thận trọng trước khi trở thành nạn nhân của những lời bình luận. Đừng tin rằng nếu bác sĩ không thể đưa ra cho bạn một chẩn đoán thì các quảng cáo thương mại và diễn đàn trên mạng lại đưa ra được.
Hiệu ứng placebo là con quái vật rất mạnh và chỉ vì Nẹp cổ thần kì của Tiến sĩ Smith, hoặc cồn móng chân voi khiến bạn cảm thấy tốt hơn không có nghĩa triệu chứng của bạn là kết quả của việc không ăn đủ móng chân voi. Cần biết rằng rất nhiều người đang cố gắng thu lợi từ hiệu ứng placebo.
Hãy gắn bó với những người sẽ thành thật với bạn, được hỗ trợ bởi những bằng chứng khoa học, chứ không phải là những người sẽ bán cho bạn thứ mà bạn muốn nghe.
7.Và cuối cùng là tin xấu.
Điều cuối cùng bạn cần phải chấp nhận là một sự thật không dễ chấp nhận. Đó là một sự thật không bao giờ có trên các diễn đàn internet, hoặc thông tin thương mại, vì nó không làm ra tiền.
Sự thật là có vô cùng nhiều những hội chứng mà chưa ai hiểu, hoặc có thể chẩn đoán bằng các xét nghiệm hoặc hình ảnh, hoặc có thể chữa khỏi. Lời giải thích thành thật duy nhất cho những hội chứng này là "Chúng tôi không biết".
Bạn cần chấp nhận khả năng là bạn có thể bị một trong những hội chứng này. Và lúc này câu hỏi của bạn trở nên rất quan trọng - “Tôi phải làm gì khi các bác sĩ không thể tìm ra bệnh?"
Câu trả lời là đến một lúc nào đó, khi đã sẵn sàng, bạn cần thôi làm một việc hết lần này đến lần khác. Bạn cần phải thôi đặt câu hỏi "Điều gì khiến tôi bị đau?" Tất cả những bạn sẽ nhận được là các bác sĩ đều nói "Thứ làm bạn bị đau không thuộc lĩnh vực của tôi", và các trang mạng bán cho bạn giả dược. Câu trả lời duy nhất thành thật, nhưng vô ích, mà bạn sẽ nhận được là "Chúng tôi không biết".
Thay vì tìm kiếm vô vọng một chẩn đoán, bạn cần bắt đầu câu hỏi "Làm thế nào tôi có thể quản lý tốt hơn các triệu chứng để chúng không phá hỏng cuộc sống của tôi?" Hãy quên đi việc tìm kiếm nguyên nhân và tập trung vào việc cố gắng giảm bớt sự khổ sở. Tin tốt là có bằng chứng cho thấy có một vài hội chứng như vậy, chẳng hạn như hội chứng đau bụng chức năng, có thể được giúp đỡ bởi các chiến lược tâm lý, thể chất và thuốc men giống như với những người bị đau mạn tính.
Những lời khuyên này được các bác sĩ đưa ra để giúp để tránh những sai lầm của những bệnh nhân khác, những sai lầm khiến sự đau đớn kéo dài một cách vô ích. Kinh nghiệm cho thấy phần lớn những người bị những hội chứng chưa rõ nguyên nhân thường không muốn xem xét các chiến lược để giảm nhẹ đau đớn cho đến khi làm hết tất cả các xét nghiệm có trên đời - thường là vài lần. Thật không may, điều này khiến người bệnh phải chịu đựng vô ích trong nhiều năm mà lẽ ra đã có thể được cải thiện, nếu họ thôi đặt câu hỏi "Điều gì khiến tôi bị đau?" Và đồng ý để các bác sĩ cải thiện các triệu chứng cho họ.
Nếu, sau khi đọc xong bài này, bạn vẫn bám vào ý tưởng đi khám một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khác, và một bác sĩ thần kinh để tìm chẩn đoán chèn ép dây thần kinh, và bạn đã tìm trên Internet về bệnh Thyrosaki, nhưng lại từ chối xem xét khả năng một hội chứng chưa rõ nào đó sẽ được lợi từ phương pháp điều trị đau mạn tính, thì rất có thể bạn đang lặp lại những sai lầm tương tự. Không có lý do gì mà bạn không thể tìm sự giúp đỡ để đối phó tốt hơn với cơn đau trong khi tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân.
Cẩm Tú
Theo Medical Daily