1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng "nới lỏng" giãn cách?

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, mặc dù tình hình dịch tại Hà Nội có dấu hiệu hạ nhiệt, thành phố cũng vừa tổ chức chiến dịch xét nghiệm toàn dân nhưng điều đó không có nghĩa là đã loại bỏ hết F0 trong cộng đồng.

Việc xuất hiện ca bệnh, ổ dịch mới là điều được dự báo trước

Trưa 18/9, Hà Nội công bố liên tiếp 6 ca dương tính SARS-CoV-2 không rõ nguồn lây tại ngách 22/17 Kim Quan, tổ 4, Việt Hưng, Long Biên. Ca bệnh chỉ điểm của chùm này là bà Â.T.K., sinh năm 1937. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân thường xuyên ở nhà, ngày 12/9 xuất hiện sốt, ho, khó thở nhẹ được người nhà tự mua thuốc điều trị không đỡ. Ngày 17/9, bệnh nhân khó thở được chuyển vào Bệnh viện Đức Giang khám, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và PCR dương tính.

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng nới lỏng giãn cách? - 1

Lực lượng chức năng lập rào sắt, chốt cứng tại tất cả các điểm đi vào phố Kim Quan (Ảnh: Trần Thanh).

Tối cùng ngày, một bé trai tại tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên liên quan đến chùm ca bệnh nêu trên cũng được xác định dương tính SARS-CoV-2.

"Việc xuất hiện các ca bệnh mới, ổ dịch mới tại Hà Nội cũng là điều đã được dự báo trước", đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội trong cuộc phỏng vấn với Dân trí.

Theo ông, mặc dù tình hình dịch tại Hà Nội có dấu hiệu hạ nhiệt, thành phố cũng vừa tổ chức chiến dịch xét nghiệm toàn dân nhưng điều đó không có nghĩa là đã loại bỏ hết F0 trong cộng đồng.

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng nới lỏng giãn cách? - 2

Cần xác định trong điều kiện bình thường mới, mục tiêu hàng đầu là sống an toàn với dịch bệnh chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

PGS Hùng phân tích rõ hơn: "Việc loại bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng gần như là điều bất khả thi. Cần xác định trong điều kiện bình thường mới, mục tiêu hàng đầu là sống an toàn với dịch bệnh chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh. Vì vậy, mọi người dân cần chủ động phòng ngừa, chủ động cách ly và thông báo sớm tới cơ sở y tế khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Ngành y tế cũng cần chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức khoanh vùng, truy vết nhanh để sớm kiểm soát ổ dịch. Điều này càng quan trọng khi nới lỏng giãn cách".

Không nên vì ổ dịch mới mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách

Đợt giãn cách thứ 4 của Hà Nội sẽ kéo dài đến 21/9. Tuy nhiên, từ 16/9, thành phố Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng dần các quy định giãn cách tại 19 quận huyện đạt điều kiện "bình thường mới".

Theo PGS Hùng, lộ trình nới lỏng giãn cách cần được xây dựng chặt chẽ dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ và linh hoạt theo diễn biến dịch.

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng nới lỏng giãn cách? - 3

Theo chuyên gia, không nên vì ổ dịch mới mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Do đó, khi trên địa bàn xuất hiện ổ dịch mới cũng không nên quá hoảng sợ mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách.

Ông nhận định, với các khu vực có dịch thì phải tùy thuộc vào quy mô dịch để xem xét mức độ giãn cách. Nếu chỉ vài ổ dịch thì khoanh vùng (phong tỏa) ổ dịch hẹp nhất có thể. Không vì một vài ổ dịch đã phong tỏa mà giãn cách xã hội trên diện rộng toàn phường, quận/huyện hay toàn thành phố.

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng nới lỏng giãn cách? - 4

Theo ông Lê Đăng Lễ, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, ngay sau khi có thông tin về trường hợp F0 tại tổ 6, phường đã tiến hành phong tỏa tạm thời khu vực trên để truy vết, sàng lọc các trường hợp liên quan, phường cũng yêu cầu toàn bộ người dân nơi đây không được ra khỏi nhà, thực hiện các biện pháp y tế cần thiết và báo ngay cho y tế nếu có vấn đề về sức khỏe (Ảnh: Đỗ Linh).

"Trước mắt tại Long Biên ổ dịch đang ở quy mô nhỏ, khu vực ổ dịch phải được phong tỏa sớm. Công tác điều tra dịch, truy vết phải được thực hiện nhanh chóng. Xét nghiệm các đối tượng liên quan và xét nghiệm mở rộng ra khu vực phụ cận, xét nghiệm lặp lại 2-3 ngày/lần. Ngành y tế Hà Nội đã làm rất tốt việc này trong thời gian qua.", PGS Hùng phân tích.

Trong 10 ngày qua, Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm và tiêm vắc xin diện rộng, phải tập trung người dân để lấy mẫu và tiêm chủng. Do đó, theo ông, những thông tin này cần được lưu ý khi điều tra dịch.

Ổ dịch mới cho thấy tầm quan trọng của giám sát chủ động người ho, sốt

Theo PGS Hùng, một bài học không mới nhưng vẫn cần rút ra từ ổ dịch vừa ghi nhận ở Long Biên chính là vấn đề giám sát chủ động người ho sốt.

Cụ thể, trong trường hợp này, bệnh nhân K. có dấu hiệu ho sốt từ ngày 12/9 nhưng đến ngày 17/9, khi bệnh trở nặng được chuyển vào bệnh viện mới phát hiện dương tính SARS-CoV-2.

Ổ dịch mới tại vùng xanh: Hà Nội có nên ngừng nới lỏng giãn cách? - 5

Theo chuyên gia, cần đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát chủ động người ho sốt (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Theo chuyên gia này, có thể đặt giả thiết: Người dân có biểu hiện ho sốt nhưng không thông báo với cơ quan y tế mà tự điều trị; người bán thuốc ho sốt cũng không đưa ra cảnh báo nào về Covid-19, vẫn bán thuốc và không thông báo kịp thời với cơ quan y tế; trong gia đình có người ho sốt nhưng không áp dụng chặt các biện pháp cách ly dẫn tới lây nhiễm cho nhiều thành viên trong nhà. Phát hiện người bệnh Covid-19 muộn nên đã tiếp cận với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muộn...

Đây là những lỗ hổng, nếu không sớm khắc phục thì sẽ rất khó khăn trong việc sống chung với Covid-19.

"Cần nhắc lại việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên có vai trò quyết định tới việc sớm khống chế ổ dịch. Việc này ngành y tế Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình giám sát chủ động người ho sốt", PGS Hùng nhấn mạnh.