Ổ dịch bạch hầu tại Nghệ An hiện ra sao?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau ca tử vong về bệnh bạch hầu tại Nghệ An, các trường hợp cách ly đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn gây bệnh.

Ngày 15/7, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, sau 14 ngày kể từ khi xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, địa phương này không ghi nhận ca mắc mới.

"Ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát. Các trường hợp cách ly đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu). Những người này đều được điều trị kháng sinh dự phòng đủ 7 ngày và theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày", ông Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC Nghệ An thông tin.

Ổ dịch bạch hầu tại Nghệ An hiện ra sao? - 1

Các mẫu sinh phẩm của những trường hợp tiếp xúc với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn đều cho kết quả âm tính với vi khuẩn C.diphtheria gây bệnh bạch hầu (Ảnh: CDC Nghệ An).

Trước đó, ngày 5/7, bệnh nhân P.C.T. (18 tuổi, người Khơ Mú, trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh) tử vong sau nhiều ngày điều trị các triệu chứng được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho thấy mắc bạch hầu.

Cơ quan chức năng xác định, có 119 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân C. kể từ khi khởi phát (ngày 24/6) đến khi tử vong (4/7).

Hai trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân C. đã rời địa phương đến huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), trong đó M.T.B. (18 tuổi) làm việc trong các quán karaoke được xác định mắc bệnh bạch hầu, hiện sức khỏe ổn định.

Ông Chu Trọng Trang khuyến cáo, dù đã kiểm soát được ổ dịch bạch hầu tại xã Phà Đánh nhưng không được chủ quan, chưa thể loại trừ những ổ dịch khác, nguồn lây khác chưa xuất hiện do điều kiện môi trường, thời tiết.

Ổ dịch bạch hầu tại Nghệ An hiện ra sao? - 2

Ngành y tế Nghệ An nỗ lực bao phủ tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ trong độ tuổi (Ảnh minh họa: CDC Nghệ An).

Theo báo cáo của ngành chức năng, Kỳ Sơn là địa phương có bệnh bạch hầu lưu hành trong nhiều năm. Năm 2017, có 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu; năm 2021, có 5 trường hợp và năm 2022 có 2 trường hợp, không có trường hợp bị tử vong.

Theo thống kê, năm 2023, tỉ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan B) cho trẻ trong độ tuổi của toàn tỉnh Nghệ An, đạt 90,9% và vaccine DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) đạt tỷ lệ 78,7%.

Riêng huyện vùng cao Kỳ Sơn, tỉ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 chỉ đạt 64,8%, còn vaccine DPT thấp hơn, ở mức 54,2%, thấp nhất trong 3 huyện biên giới (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong).

Nguyên nhân là trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cung ứng vaccine từ Trung ương cho các tỉnh trên toàn quốc bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tỉ lệ tiêm chủng của địa phương.

Bên cạnh đó, Kỳ Sơn là huyện miền núi rất khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn trải rộng ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng biên giới không muốn hoặc không đưa trẻ đi tiêm chủng theo thông báo của trạm y tế.

Ngành y tế đang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch cũng như lợi ích của tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu tới người dân; rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét.