1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nữ sinh tử vong vì bệnh bạch hầu: Địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Hoàng Lam

(Dân trí) - Các tài liệu lưu trữ của ngành y tế không ghi nhận tiền sử tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu của bệnh nhân P.T.C. Tỷ lệ tiêm kháng nguyên bạch hầu tại địa bàn bệnh nhân sinh sống rất thấp.

Ngày 9/7, ông Vi Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, với sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An, đơn vị và địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến ca tử vong về bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh (Kỳ Sơn).

"Qua xác minh có 119 người tiếp xúc với bệnh nhân P.T.C. (18 tuổi, bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, người dân tộc Khơ mú) từ khi bệnh nhân khởi phát đến khi tử vong, trong đó có một số người đã rời địa phương.

Chúng tôi đã phân loại, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày cho các trường hợp tiếp xúc gần và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh. Những người đã rời địa bàn cũng đã được gọi điện, hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh", ông Vi Văn Khương cho hay.

Nữ sinh tử vong vì bệnh bạch hầu: Địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp - 1

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C (Ảnh: CDC Nghệ An).

Từ năm 2017 đến đầu năm 2024, huyện kỳ Sơn ghi nhận 8 ca mắc bạch hầu, tại các xã: Mường Típ, Hữu Lập và Na Loi. Riêng xã Phà Đánh, trong 5 năm qua không ghi nhận ca mắc bạch hầu.

Bệnh nhân P.T.C. là người đầu tiên tử vong vì bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, kể từ năm 2017.

Nữ bệnh nhân này có dấu hiệu ho, sốt, đau họng từ ngày 24/6 nhưng không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị (cả thuốc tây và thuốc nam).

Đến ngày 30/6, bệnh nhân mới nhập viện Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn và được chỉ định chuyển tuyến trên vào ngày 3/7.

Ngày 5/7, bệnh nhân tử vong. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, bệnh nhân P.T.C. dương tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).

Qua điều tra dịch tễ, ngành y tế không ghi nhận tiền sử tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu của bệnh nhân P.T.C.

Qua số liệu của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu tại xã Phà Đánh trong những năm qua đạt thấp. Riêng trong năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng kháng nguyên bạch hầu mũi 1 chỉ đạt 47,4%, mũi 2 là 31,6%, mũi 3 chỉ có 21,1% và mũi 4 đạt 44,3%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm kháng nguyên bạch hầu tại xã Phà Đánh lần lượt là 68,1% (mũi 1), 72,5% (mũi 2), 24,6% (mũi 3) và 53,1% (mũi 4).

Sở Y tế Nghệ An yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu tại Phà Đánh và các địa phương có người tiếp xúc với bệnh nhân P.T.C.; đồng thời, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng. Đặc biệt, rà soát các đối tượng chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ các vaccine có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét.

Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu đảm bảo tất cả các trẻ kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vaccine muộn hoặc không được tiêm vaccine.