1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nữ sinh ngoại thương bị ung thư vú: Nước mắt của mẹ là động lực để em cố gắng

(Dân trí) - Tham gia cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương, cô gái 19 tuổi, quê Hải Phòng, Đặng Trần Thủy Tiên khiến nhiều người không khỏi bất ngờ với mái đầu trọc lóc và nụ cười tươi tắn, tự tin. Cô gái trẻ được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2.

“Em đã chiến đấu với bệnh ung thư vú được 4 tháng.”, Thủy Tiên cười chia sẻ. 

Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày giữa mùa hè tháng 6, khi đó cô gái trẻ chuẩn bị bước vào năm học thứ 2 của trường Đại học Ngoại thương. Trong lúc tắm Thủy Tiên vô tình sờ thấy một cục cứng di động ở ngực trái. Còn trẻ, lại vô tư nên cô nghĩ có thể là u xơ, chứ không nghĩ là ung thư vú. 

Nữ sinh ngoại thương bị ung thư vú: Nước mắt của mẹ là động lực để em cố gắng - 1

Chuẩn bị bước năm thứ hai đại học thì Thủy Tiên phát hiện bị ung thư vú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một tuần sau, Thủy Tiên đến một bệnh viện tại Hà Nội khám. Khi siêu âm bác sĩ cũng bảo chỉ là u xơ nên chỉ định tiểu phẫu cắt u. Khối u nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay. Dù vậy để cẩn thận bệnh viện vẫn gửi mẫu bệnh phẩm đi sinh thiết. Trái ngược lại với dự đoán ban đầu, cô gái trẻ được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2. Không tin vào điều này, cô lên Bệnh viện K Trung ương khám và kết quả vẫn như thế. 

 “Lúc ấy em mới chính thức sợ, còn trước đó chỉ là sợ mơ hồ thôi. Trời đất xung quanh em như sụp đổ, em như người bị phán án tử, biết trước cái chết. Em phẫn uất vô cùng và cảm thấy bất công vì sao thần chết lại điền tên em vào danh sách dự bị sớm thế này. Rõ ràng là em còn rất trẻ mà...” cô gái trẻ nhớ lại.

“Lúc đó em còn chưa qua 18 tuổi vì chưa đến sinh nhật. Không ai có thể ngờ bệnh ung thư có thể diễn tiến âm thâm, đùng một cái bùng phát như thế”, Thủy Tiên cho biết thêm. Gia đình cô không có ai từng bị ung thư vú. 

Nữ sinh ngoại thương bị ung thư vú: Nước mắt của mẹ là động lực để em cố gắng - 2

Cô nữ sinh đã được mổ bảo toàn cắt một bên ngực trái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phải khá lâu sau đó cô gái mới bình tĩnh lại và chấp nhận số phận. Gia đình, thầy cô và bạn bè luôn động viên và ở bên. “Lúc em đứng giữa ranh giới sống chết của cuộc đời, ai cũng hy vọng em khỏe lại, cứng đầu để đối diện với căn bệnh hiểm nghèo như cá tính bướng bỉnh của mình”, Thủy Tiên nói.

Cô gái trẻ bắt đầu hành trình đầu tiên của mình, đó là lên bàn mổ và cắt nửa bên ngực trái. Và sau đó là một năm truyền hóa chất. Dù bác sĩ đã động viên phải mạnh mẽ lên song hoang mang, sợ hãi là cảm giác đầu tiên của cô gái trẻ khi tìm hiểu về những tác dụng phụ của việc điều trị hóa chất. 

“Em sợ mình không thể vượt qua khó khăn của quá trình điều trị vì mệt, vì yếu, tinh thần suy sụp, sợ tóc bị rụng, sợ da dẻ bị sạm đi. Chỉ cần em đi ngoài đường nhìn tóc, nhìn da em như thế mọi người sẽ biết ngay em không bình thường, em đang trong mình căn bệnh ung thư”, cô gái trẻ kể lại. 

Vì thế, Thủy Tiên quyết định cắt đi mái tóc dài, cạo trọc đầu để chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến trường kỳ. Đồng thời cô cũng xin trường bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh.

Nữ sinh ngoại thương bị ung thư vú: Nước mắt của mẹ là động lực để em cố gắng - 3

Cô nữ sinh Đại học Ngoại thương hy vọng sau này tóc mình sẽ mọc lại dài và đẹp hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Có thể có nhiều tác dụng phụ, biến chứng khác nhưng cô quyết tâm theo đến cùng vì biết mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cố gắng, cố gắng và cố gắng. Vì một khi đã vượt qua được vấn đề tâm lý thì mọi thứ sẽ ổn. 

“Cắt tóc đi em cũng tiếc lắm nhưng em tin tóc mình sẽ mọc lại có khi còn đẹp hơn, dài hơn”, cô gái trẻ cho biết thêm. 

Giữa tháng 7, Thủy Tiên bắt đầu đợt điều trị hóa chất đầu tiên. Cô vẫn nhớ cái cảm giác nôn nao, mệt mỏi khi thuốc ngấm, móng tay móng chân sạm đi, da sạm… Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng cô nữ sinh vẫn thấy bị chênh vênh. 

“Sau khi vượt qua được 4 tháng, em đã quen dần với bệnh viện, với thuốc thang. Các đợt hóa trị không còn là vấn đề quá lớn mà nó là một phần thiết yếu để duy trì sự sống cho em. Em không còn thấy mệt như trước và nó không quá kinh khủng như suy nghĩ ban đầu”, Thủy Tiên vui vẻ nói.

Khi biết tin con gái bị ung thư vú, bố mẹ Thủy Tiên lo lắng đến sụt cân, mẹ khóc rất nhiều. Lúc thấy mẹ khóc, cô gái trẻ có cảm giác mình giống như là gánh nặng của cả gia đình. Nhưng giờ nghĩ lại Thủy Tiên thấy rằng chính những giọt nước mắt đó của mẹ là động lực để cô cố gắng chiến đấu với bệnh tật từng ngày. 

“Em phải cố gắng mạnh mẽ hơn. Em không muốn bao cố gắng bố mẹ giành cho mình bị uổng phí”, Thủy Tiên nói. Nhà có hai chị em, dưới cô gái còn em trai kém 6 tuổi. 

Hiện giờ một tuần một lần cô gái sẽ từ Hải Phòng lên Hà Nội để truyền hóa chất trong 2 ngày rồi về và bồi bổ, tĩnh dưỡng ở nhà. Thủy Tiên cũng thay đổi thói quen sinh hoạt. Trước kia cô hay thức khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khoẻ thì bây giờ phải thay đổi hết hoàn toàn. 

Thủy Tiên dậy từ 5h sáng để tập thể dục cùng bố, ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt và đi học đàn. Việc học đàn giúp cô gái trẻ không còn nghĩ nhiều, không nghĩ đến bệnh, bớt u uất.

“Mọi người cũng thế, đừng nên chủ quan với sức khỏe của bản thân mình, cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt cho cơ thể, ngủ sớm hơn và ăn uống lành mạnh. Bệnh tật không chừa một ai cả, từ già đến trẻ, hãy biết quý trọng bản thân mình hơn”, cô nữ sinh nói. 

Cô cũng mong những ai đang phải đương đầu với các căn bệnh hiểm nghèo như mình hãy lạc quan hơn. Dù chỉ còn một ngày được sống cũng hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa.

Thủy Tiên đang tham gia chương trình Duyên dáng Ngoại thương và lọt vào top 12. 

Nam Phương