Nữ nhân viên quán karaoke mắc bạch hầu hiện ra sao?

Minh Nhật

(Dân trí) - Chuyên gia cho biết, biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu là sự phát triển nhanh chóng của giả mạc, gây bít tắc đường hô hấp hoặc gây sặc khi hít phải các mảnh giả mạc.

Nữ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đã ổn định

Ca bệnh bạch hầu được phát hiện tại Bắc Giang hiện sức khỏe đã ổn định. Thông tin được BS nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cung cấp chiều 9/7.

Cụ thể, bệnh nhân là chị B., 18 tuổi (trú tại Nghệ An nhưng lên Bắc Giang làm việc). Sau khi phát hiện dương tính với bạch hầu chiều 7/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị tại khoa Cấp cứu.

Nữ nhân viên quán karaoke mắc bạch hầu hiện ra sao? - 1

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu tại Nghệ An (Ảnh: CDC Nghệ An).

Theo BS Cấp, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh viện đã tiến hành điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sự phát triển của chúng.

Nhờ điều trị kịp thời, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục mà không gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

"Hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được chuyển về địa phương để tiếp tục cách ly và theo dõi", BS Cấp cho hay.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, những năm gần đây, cơ sở y tế này vẫn tiếp nhận các ca mắc bệnh bạch hầu từ các tuyến dưới, trong đó có các trường hợp từ Hà Giang và Điện Biên.

"Bệnh bạch hầu thường có thời gian ủ bệnh 2-5 ngày với các triệu chứng ban đầu giống viêm họng như: đau họng, ho, khó nuốt, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục, nhưng một số trường hợp có thể tiến triển nặng và nguy hiểm", BS Cấp chỉ rõ.

Theo chuyên gia này biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu là sự phát triển nhanh chóng của giả mạc, gây bít tắc đường hô hấp hoặc gây sặc khi hít phải các mảnh giả mạc.

Ngoài ra, độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, dẫn đến suy tim cấp, sốc, suy đa tạng và tử vong. Biến chứng cũng có thể xảy ra trên thận, gan và tuyến thượng thận.

Bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19?

BS Cấp nhấn mạnh rằng, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ của vaccine đã hết, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10-20%.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh thấp hơn nhiều so với Covid-19. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn từ người nhiễm bệnh hoặc qua đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu.

"Bệnh có thể xuất hiện rải rác ở các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19, vì vậy người dân cũng không nên quá lo lắng", ông Cấp nói.

BS Cấp nhấn mạnh rằng, để phòng bệnh bạch hầu, quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine. Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm, sau đó cần tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả.

Người dân cũng cần chú ý phòng tránh bệnh sau khi đã nhiễm bệnh, vì vẫn có nguy cơ mắc lại.

Qua các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng, nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu trên diện rộng sẽ được kiểm soát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Như báo Dân trí đã đưa tin, liên quan đến trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu vừa được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với 15 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh (F1).

Bước đầu, cơ quan chuyên môn xác định, trong các ngày 25-28/6, bệnh nhân B. và một người bạn cùng quê là M.T.S. ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, huyện Kỳ Sơn với P.T.C.

P.T.C. là bệnh nhân mắc bạch hầu tử vong rạng sáng 5/7.

Ngày 1/7, B. và S. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm