Nữ bệnh nhân bị lột da đầu được ghép da ngoạn mục
(Dân trí) - Mái tóc dài của chị B. bị cuốn vào máy khoan giếng, khiến toàn bộ da đầu của chị bị giật tung. Sau tai nạn, máu từ đầu chị phun ra. Gia đình vội đưa chị cùng toàn bộ da đầu bị lột đến viện cấp cứu.
Ngày 13/7, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp hi hữu, được điều trị thành công sau 23 ngày nằm viện tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ.
Bệnh nhân là chị Hà Thị B. (43 tuổi ở Điện Biên). Tai nạn xảy ra khoảng 10h30 sáng 22/4, khi đang cùng chồng khoan giếng, mái tóc dài của chị B. bị cuốn vào máy khoan khiến toàn bộ tóc, da đầu của chị bị giật tung.
"Tôi chỉ kịp hét lên một tiếng, đau đớn muốn ngất xỉu rồi máu tuôn ra xối xả", chị B. kể lại.
Gia đình vội đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, mang theo 2 mảnh da đầu đã bị giật tung.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch. Các điểm chảy máu được cầm bằng thắt nút chỉ hoặc đốt điện. Mảnh da đầu được bảo quản đúng cách trong thùng nước đá, chuyển Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
"Bệnh nhân đã trải qua 11 giờ di chuyển trên đường. Khi đến bệnh viện phần da đầu lóc ra ngoài đã được hơn 12 tiếng.
Khi quá mất thời gian vàng 6 tiếng sau khi mảnh da đầu bị đứt rời thì cơ hội sống của mảnh ghép hầu như còn rất ít, với bệnh nhân, thời gian hơn 12 tiếng càng có nguy cơ thất bại.
Khi mở băng, nhìn toàn bộ xương sọ lộ ra, không được phủ một chút tóc hay màng xương, chúng tôi càng áp lực.
Đặc biệt, phần da đầu trái bị máy nghiền nát. Nếu không nối được, toàn bộ xương sọ khô khốc, không được tưới máu kia sẽ rất khó để che phủ, bệnh nhân vĩnh viễn không mọc tóc. Chúng tôi sợ không có cơ hội cho phần da đầu này, nhưng lãnh đạo khoa đã "sốc" lại tinh thần chúng tôi, phải nỗ lực bằng mọi giá", TS.BS Thái Duy Quang chia sẻ.
Sau khi khẩn trương làm các thủ tục, xét nghiệm, hồi sức, sau gần 90 phút, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật.
Do tính chất phức tạp của ca phẫu thuật (mảnh da đầu bị đứt rời thành 2 mảnh, dập nát, nhiều dị vật), các phẫu thuật viên được chia thành 3 ekip: 2 ekip làm sạch và chuẩn bị mạch tại mảnh da đầu, 1 ekip phẫu thuật tìm và chuẩn bị mạch nhận.
Sau hơn 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã nối thành công mảnh da đầu, đồng nghĩa với việc 3/4 số da đầu mang tóc được giữ lại. Bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 8 đơn vị máu (tương đương 2000 cc) trong quá trình phẫu thuật, hồi sức.
Sau phẫu thuật, mảnh da ghép được theo dõi thường xuyên, có 2 mảnh nhỏ bị hoại tử do bị dập nát nhiều. Sau một tháng, da đầu đã sống và có khả năng mọc tóc khoảng 90%. Sau hơn 1 tháng, toàn bộ đã lành thương.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, đây là một ca không hoàn hảo nhưng tuyệt vời nhất mà chị từng gặp. Đến nay, sau 2 tháng phẫu thuật, phần tóc của bệnh nhân đã mọc lên.
Sau 6 tháng nữa, bệnh nhân sẽ được can thiệp một kỹ thuật giãn da từ vùng da có nang tóc để thay thế vùng da không mọc tóc.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, trường hợp này bệnh nhân rất may mắn, hi hữu, với tổn thương, chấn thương rất nặng nề.
"Lúc đầu, bệnh nhân không chỉ mất da đầu, mà tình trạng sốc mất máu, sốc đau đớn nguy kịch tính mạng. Đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Điện Biên đã làm rất đúng các cấp cứu ban đầu, cầm máu, bảo quản miếng da đầu đúng cách", PGS Cơ nói.
PGS Cơ thông tin thêm, so với các ca lâm sàng trên thế giới, trường hợp bệnh nhân rất nặng nề. Nhưng chỉ 2-3 tháng nữa tóc chị sẽ mọc lên tốt như những người phụ nữ khác, chị có được sự tự tin, hạnh phúc như cuộc sống bình thường.