1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nơi thay đổi cuộc đời cho những người nghiện ma túy ở huyện biên giới

(Dân trí) - Dân trí Cả quá trình dài, bệnh xá Quân dân y kết hợp Tiểu khu 50, bộ đội biên phòng Nghệ An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị dự phòng, quản lý chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Người dân đến khám bệnh tại bệnh xá Quân dân y Kỳ Sơn.
Người dân đến khám bệnh tại bệnh xá Quân dân y Kỳ Sơn.

Kỳ Sơn là một huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có 21 phường xã, trong đó có 11 xã biên giới tiếp giáp với Lào. Đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng như cán bộ công tác ở huyện biên giới còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, đây cũng là một trong những địa phương thuộc tỉnh Nghệ An vẫn còn nhức nhối về tệ nạn ma tuý. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Lĩnh - Trưởng bệnh xá Quân dân y Kỳ Sơn cho biết, những năm qua, bệnh xá đã phối hợp với các Đồn Biên phòng và chính quyền các xã giáp biên giới triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tệ nạn ma túy.

Bệnh xá đã thành lập Tổ công tác cai nghiện, tuyên truyền, vận động người nghiện ma tuý, gia đình có người nghiện ma túy đăng ký tham gia cai nghiện và tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai cho người nghiện ma tuý.

Chính vì vậy, nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của ma túy đã được nâng lên đáng kể, người dân đã ý thức được việc phải tự bảo vệ mình và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Được biết, từ khi thực hiện mô hình Quân dân y kết hợp đến nay, bệnh xá đã phối hợp tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho gần 100 người nghiện ma túy tại các xã biên giới; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho người nghiện sau cai.

Đặc biệt, từ cuối năm 2015 đến nay, bệnh xá Quân dân y Kỳ Sơn còn là địa điểm cấp phát thuốc Methadol đầu tiên cho người nghiện ma túy ở địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn. Nhiều người nghiện ma túy đã được điều trị thành công và tái hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi có mặt tại bệnh xá từ sáng sớm, mặc dù chưa tới giờ cấp, phát thuốc nhưng các bệnh nhân điều trị nghiện và người nhà đã đến từ rất sớm, đặc biệt có những người đã phải vượt qua chặng đường hàng chục ki-lô-mét để đến được bệnh xá. ….

Anh Lô Văn H., 27 tuổi, bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, điều trị từ 14/12/2015 đến nay, sức khỏe tốt, tinh thần ổn định, điều trị không gây ra ảo giác; người nhà bệnh nhân Lê Nam Th., bản Sơn Thành cho biết.

Người dân được khám bệnh tận tình.
Người dân được khám bệnh tận tình.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại khu vực biên giới vẫn tồn tại một số khó khăn, trong đó việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cai nghiện vẫn còn thiếu thốn, các chất ma túy ngày càng đa dạng, một bộ phận người dân do thói quen vẫn sử dụng thuốc phiện để chữa bệnh…

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình bệnh xá, cần thiết phải nâng cao năng lực cho cán bộ, bộ đội và cán bộ xã về công tác tổ chức, quản lý người nghiện; hỗ trợ kinh phí để các Đồn, trạm biên phòng giúp người dân ở xã biên giới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.

Cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy tại khu vực biên giới là nội dung quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy được Chính phủ ban hành năm 2007.

Để nâng cao kết quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các huyện biên giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng mô hình cai nghiện “Quân dân y kết hợp”. Từ khi mô hình này được đưa vào thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực.

Nguyễn Duy