Nổi hạch ở cổ có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư?

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể nổi hạch, trong đó không loại trừ khả năng đây là dấu hiệu của bệnh ung thư.

Vì sao cơ thể lại nổi hạch?

Theo TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị nổi hạch.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do phản ứng viêm của cơ thể trước những bệnh lý thông thường như viêm họng hay nhiễm virus.

Nổi hạch ở cổ có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư? - 1

“Người Việt Nam thường mắc phải các bệnh lý tai mũi họng. Đi cùng với bệnh lý này là hiện tượng nổi hạch ở góc hàm hoặc dưới mang tai. Những loại hạch này thường cũng sẽ biến mất khi khỏi bệnh”, BS Bình cho hay.

Bên cạnh đó, dù xác suất thấp hơn nhưng nổi hạch có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nghiêm trọng như lao hoặc thậm chí là ung thư hạch hay ung thư ở các cơ quan khác di căn đến hạch.

BS Bình nói: “Nổi hạch ở tất cả mọi nơi trên cơ thể đều là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Do đó, khi xuất hiện hạch, tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, cũng như xác định xem hạch là lành tính hay ác tính, để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Ung thư hạch có xu hướng gia tăng tại Việt Nam

Theo BS Bình, ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đứng ở top đầu. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, số bệnh nhân mắc mới ung thư hạch tăng lên một cách rõ rệt.

BS Bình chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ tiếp nhận 10-20 bệnh nhân ung thư hạch. Tuy nhiên, gần đây con số này đã tăng lên 150-200 bệnh nhân. Hiện tại, tổng số bệnh nhân ung thư hạch mà Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đang theo dõi và điều trị là gần 800 người”.

Nổi hạch ở cổ có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư? - 2

Nguyên nhân chính xác gây ung thư hạch hiện nay vẫn chưa được chỉ rõ. Tuy nhiên, theo ông có một số yếu tố nguy cơ của ung thư hạch đã được xác định:

- Tổn thương đột biến di truyền.

- Tiếp xúc với môi trường độc hại.

- Thức ăn nhiễm độc.

“Để phòng ngừa ung thư hạch nói riêng và các loại ung thư nói chung, vấn đề đảm bảo vệ sinh trong ăn uống có vai trò rất quan trọng”, BS Bình khuyến nghị.

Ung thư hạch được điều trị như thế nào?

Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị ung thư hạch, có thể kể đến như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…

Bên cạnh đó, theo BS Bình, liệu pháp sinh học và cấy ghép tế bào gốc cũng là các phương pháp để điều trị ung thư hạch. Tuy nhiên lại không phổ biến.

Liệu pháp sinh học trong những năm gần đây được người bệnh rất quan tâm. Liệu pháp sinh học nhắm tới tế bào ung thư và giảm thiểu tác động đến những tế bào lành tính trên cơ thể. Chính vì thế giảm đi các biến chứng, tác dụng phụ.

Với phương pháp ghép tế bào gốc, thường sẽ chỉ được sử dụng ở những bệnh nhân bị tái phát hoặc kháng trị.

BS Bình phân tích: “Tùy từng loại ung thư hạch khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Cũng có thể trên một người bệnh, chúng tôi sẽ phối hợp nhiều phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả cao nhất”.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng phản ánh một tình trạng đáng ngại là nhiều bệnh nhân ung thư hạch tự ý sử dụng thêm các loại thuốc nam được “truyền miệng” có thể chữa khỏi bệnh. Điều này không những không cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mà còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

“Nhiều bệnh nhân uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng dẫn đến tình trạng suy gan, suy thận rất nặng. Khi bệnh nhân quay trở lại với chúng tôi đã không còn cơ hội điều trị, vì những chức năng phủ tạng bị tổn thương như vậy thì không thể sử dụng hóa chất được nữa”, BS Bình nhấn mạnh.