Bệnh ung thư ngôi sao phim "Iron Man" mắc phải nguy hiểm như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngôi sao phim "Iron Man" mới đây đã khiến người hâm mộ ngỡ ngàng, khi ông chia sẻ rằng, mình đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư hạch.

Nam diễn viên Jeff Bridges là ngôi sao gạo cội của Hollywood, từng góp mặt trong các bom tấn như  Iron Man (2008), Tron: Legacy (2010), True Grit (2010)… Mới đây, tài tử 71 tuổi này đã chia sẻ lên trang cá nhân rằng, mình đang điều trị căn bệnh ung thư hạch. Tuy nhiên, Bridges không đề cập cụ thể mình mắc loại ung thư hạch nào.

Bệnh ung thư ngôi sao phim Iron Man mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 1

Diễn viên Jeff Bridges (phải) trong phim Iron Man

“Mặc dù đây là căn bệnh nguy hiểm, nhưng tôi may mắn được chăm sóc bởi các y bác sĩ tuyệt vời và tiên lượng bệnh rất tốt”, Jeff Bridges trấn an fan hâm mộ.

Ung thư hạch là gì?

Ung thư hạch hay ung thư hạch bạch huyết là từ dùng để chỉ một nhóm các dạng ung thư máu phát triển từ hệ thống hạch bạch huyết được gọi là các u lympho. Có hàng chục loại u lympho, trong đó có hai loại chính là u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Khoảng 90% trường hợp ung thư hạch là u lympho không Hodgkin.

Bệnh ung thư ngôi sao phim Iron Man mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 2

Có thể phân biệt 2 loại ung thư hạch này như sau:

-  U lympho không Hodgkin: Loại ung thư máu phát triển từ các tế bào lympho trong hệ bạch huyết, loại tế bào có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

- U lympho Hodgkin: U lympho Hodgkin cũng là một dạng ung thư máu phát triển từ các tế bào lympho trong hệ hạch bạch huyết. Điểm khác biệt của u lympho Hodgkin là sự xuất hiện của các tế bào B (một loại tế bào bạch huyết) có kích thước lớn bất thường được gọi là tế bào Reed – Sternberg.

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư hạch?

Hiện tại nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư hạch bạch huyết chưa được xác định rõ ràng, nhưng người ta có biết đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Các yếu tố đó là:

- Tuổi tác: Những người trên 60 tuổi có chức năng cơ thể suy giảm có tỷ lệ mắc ung thư hạch cao.

- Giới tính: Thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ nam giới mắc phải bệnh ung thư hạch nhiều hơn so với nữ giới.

- Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch suy yếu do nhiều nguyên nhân như cấy ghép nội tạng, bẩm sinh hoặc nhiễm virus HIV cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư hạch.

- Tiền sử gia đình: Người bệnh có người thân đã từng bị ung thư hạch bạch huyết dễ mắc cùng loại ung thư hơn.

- Ô nhiễm môi trường: Đối với những người thường xuyên phải sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm, phải tiếp xúc nhiều với các dung môi hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nhuộm tóc, phụ gia phụ phẩm,…hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường bức xạ cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch cao hơn.

- Những người có chế độ ăn uống không khoa học: Ăn nhiều thịt nhưng lại ăn ít rau xanh, hoa quả cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, các thói quen xấu trong ăn uống (thường xuyên ăn đồ muối chua, đồ tươi sống chưa qua chế biến, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,…) cũng làm giảm chức năng của cơ thể, gây suy gan, suy thận, làm chậm quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể, gây tích lũy tế bào lympho và chuyển biến thành ung thư.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư hạch

Đa số người bệnh thường không biết mình có bệnh, không biết các dấu hiệu bệnh để kiểm tra kịp thời.

Thiếu máu

Có khoảng 10-20% bệnh nhân bị ung thư hạch ác tính có biểu hiện thiếu máu tại thời điểm thăm khám.

Thiếu máu là một trong những tiêu chí để chẩn đoán bệnh ung thư hạch trên lâm sàng có đang tiến triển nhanh hay không. Bác sĩ sẽ xem xét yếu tố thiếu máu ít hay nhiều và tỷ lệ đông máu nhanh hay chậm làm cơ sở xác định bệnh.

Suy giảm miễn dịch

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), suy giảm miễn dịch là tình trạng của hầu hết bệnh nhân ung thư hạch. Khi bệnh càng tiến triển thì chức năng miễn dịch càng giảm, đặc biệt là những người ở giai đoạn nặng.

Bệnh nhân sẽ thường xuyên xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng trong hệ thống thần kinh trung ương, viêm màng não hoặc u nang não có thể xảy ra, và những bệnh này rất có hại cho cơ thể và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Bệnh ung thư ngôi sao phim Iron Man mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 3

Sưng hạch bạch huyết

Ở giai đoạn sớm, hầu hết bệnh nhân không có cảm giác đau. Cảm giác đau xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. Các hạch bạch huyết phát triển dần dần, từ kích thước bằng hạt đậu nành cho đến kích thước của quả táo tàu.

Các hạch bạch huyết có độ cứng trung bình, rất cứng và đồng nhất. Các hạch này thường không bám dính vào da, đến khi bệnh tiến triển chúng có thể tách rời hoàn toàn với da và cứ thể di chuyển được dưới da.

Khi bệnh ở giai đoạn cuối, các hạch phát triển to, kết hợp lại thành 1 khối, có những bệnh nhân khối u có đường kính lên đến hơn 20 cm.

Tiên lượng điều trị của bệnh nhân ung thư hạch

Tùy vào từng trường hợp, giai đoạn bệnh, loại bệnh, thể trạng người bệnh… mà tiên lượng của từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Tỷ lệ sống cho những người trẻ tuổi tốt hơn so với người lớn tuổi. Chẩn đoán sớm và phác đồ điều trị thích hợp đã giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống cho người bệnh ung thư hạch.

Theo thống kê, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân u lympho Hodgkin là:

- Giai đoạn I: Khoảng 90%

- Giai đoạn II: Khoảng 90%

- Giai đoạn III: Khoảng 80%

- Giai đoạn IV: Khoảng 65%

Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân u lympho không Hodgkin là:

- Giai đoạn tại chỗ: 81,6%

- Giai đoạn khu vực (lây lan đến hạch bạch huyết khu vực): 72,9%

- Di căn xa: 61,6%

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm