DMagazine

Nỗi đau đuối nước ngày hè

(Dân trí) - Đuối nước là tai nạn gặp rất phổ biến trong ngày hè. Mới nhất, giữa tháng 7, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 3 ca đuối nước nguy kịch, trong đó có 2 trẻ tử vong.

Cấp cứu trẻ bị đuối nước

Theo các chuyên gia, sơ cấp cứu ban đầu đúng cách sẽ giúp trẻ đuối nước vượt qua nguy kịch. Tuy nhiên, đại đa số các ca đuối nước đưa vào viện đều sơ cứu sai cách, làm các em không còn cơ hội được cứu chữa.

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 1

Mới đây, cậu bé 8 tuổi ở Bắc Giang đi chơi với 2 trẻ (một trẻ 9 tuổi và 12 tuổi) và bị ngã xuống ao thả cá. 

Một lúc sau trẻ mới được vớt lên, người cấp cứu không rõ trẻ có ngừng thở ngừng tim không chỉ biết trẻ tím tái, anh và mọi người lập tức vác chạy, thời gian mất khoảng 10 phút.

Sau đó, trẻ được chuyển đến bệnh viện huyện trong tình trạng hôn mê, tím tái, thở ngáp, được đặt nội khí quản chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Trẻ được các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa điều trị thở máy, ổn định huyết động, kháng sinh, sử dụng biện pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. 

Sau 5 ngày điều trị trẻ tỉnh hơn, tự thở, hô hấp và huyết động ổn định. 

Tuy nhiên trẻ vẫn cần được điều trị và theo dõi lâu dài về những di chứng thần kinh do thời gian thiếu oxy não kéo dài sau đuối nước vì không được xử lý sơ cấp cứu ban đầu đúng cách.

Đau lòng hơn là trường hợp bé trai 5 tuổi ở Hải Dương, tai nạn đuối nước khi gia đình đi du lịch. Tại bể bơi resort, bé bị đuối nước do sơ ý của người lớn để trẻ ở ngoài tầm mắt.

Khi được vớt lên, tuy trẻ đã trong tình trạng tím tái, không thở, nhưng thay vì được thổi ngạt và ép tim ngay, trẻ lại được vác dốc ngược chạy quanh trong vài phút rồi mới được sơ cấp cứu. 

Thời gian trẻ có nhịp tim trở lại từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu khoảng 30 phút, sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Khi vào đến Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn. Trẻ tử vong sau một ngày vào viện dù đã được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực. 

Nguyên nhân tử vong là do tình trạng tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan do tình trạng thiếu oxy kéo dài.

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 4
Nỗi đau đuối nước ngày hè - 5

"Bệnh nhân đuối nước được bế dốc chạy vòng quanh, việc này không hề có giá trị cấp cứu, làm chậm trễ cấp cứu", TS.BS. Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam khẳng định.

Theo bác sĩ, khi bệnh nhân được vớt lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, ngừng thở thì cần cấp cứu ngừng tim ngay lập tức.

Hầu hết các trường hợp đuối nước khi vớt lên, người sơ cứu không kịp kiểm tra trẻ còn thở hay ngưng thở, mà lập tức vác trẻ lên vai chạy thục mạng, với suy nghĩ dốc ngược trẻ như vậy, nước chảy ra ngoài trẻ sẽ có cơ hội được cứu sống. Đây là sai lầm vô cùng phổ biến.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 7 trường hợp cấp cứu đuối nước từ ngày 30/5 tới 4/6, chỉ duy nhất một trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu sai cách, để lại những di chứng thần kinh nặng nề.

"Hành động dốc ngược trẻ lên, vác trẻ trên vai rồi chạy làm các dịch dạ dày chảy ngược vào đường thở, khiến tình trạng càng nghiêm trọng hơn và bỏ qua mất thời điểm vàng để cứu tim của trẻ. 

Cũng có nhiều trường hợp khi đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp trở lại người cấp cứu đã dừng để tiếp tục bế vác… Việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian này thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ", TS Phúc nói.

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 8

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý: Tuyệt đối không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ; Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi; Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

Cùng quan điểm này, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đánh giá, việc xốc nước làm mất thời gian vàng sơ cứu cho trẻ.

Theo bác sĩ Tiến, động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện, vì lượng nước vào phổi thường rất ít, và sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt, ấn tim và tăng nguy cơ hít sặc cho trẻ.

Sai lầm thứ hai, các nạn nhân ngưng thở, ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc lúc vận chuyển nạn nhân đi bệnh viện. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não, dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. 

Vì thế, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên bờ, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi.

Thứ ba, một số phụ huynh dùng một cái lu để nằm nghiêng và đốt rơm bên trong, rồi đặt trẻ nằm sấp lên lu và lăn qua lại. Việc này không có tác dụng giúp trẻ hết ngạt nước.

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 9

Trong những năm qua Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước. Trong số những trường hợp được sơ cứu tại chỗ đúng cách (thổi ngạt, ép tim phổi), nhiều trường hợp vượt qua nguy kịch. 

Ngược lại, những trường hợp sơ cứu sai cách, bác sĩ đã rất nỗ lực nhưng không thể giành giật sự sống các em khỏi tay tử thần.

Theo TS Phúc, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

"Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh", TS Phúc nói.

Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi ngay (thổi ngạt, ép tim) vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ. 

Khi có trẻ bị ngạt nước, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, hay ném phao hoặc vớt nạn nhân lên (nắm tóc hoặc cổ áo nạn nhân kéo lên bờ, tránh để nạn nhân ôm ghì chặt, dẫn đến cả 2 đều chìm xuống nước).

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 12

Trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức như sau:

1. Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược.

2. Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.

3. Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

4. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống 2 - 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.

5. Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.

6. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.

7. Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết.

Nỗi đau đuối nước ngày hè - 13

BS CKII. Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các ca đuối nước rất đa dạng. Có trẻ gặp sự cố khi đi du lịch; trẻ đi bơi ở bể bơi chung cư, trẻ tự ý sang bể người lớn; có trẻ trượt chân ngã xuống ao, ngã vào hồ cá cảnh…

"Chỉ một phút lơ là có thể dẫn tới hậu quả lớn. Các trường hợp đuối nước ở Hà Nội được đưa đến viện cấp cứu thời gian qua, có cả đi bể bơi gần nhà, resort, có người lớn đi cùng nhưng trong tích tắc không để ý, trẻ đã bị đuối nước", BS Hùng cảnh báo.

Để phòng ngạt nước, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không được để trẻ nhỏ một mình, phải đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Kế đến, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, không để trẻ mắc bệnh động kinh bơi. Khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ dành cho người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ. Nên hướng dẫn trẻ tập bơi, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ.

Mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

BS Hùng lưu ý thêm, có những trường hợp trẻ bị đuối nước, hoặc sau khi sơ cứu tại hiện trường, người lớn khi thấy trẻ tỉnh lại thì đưa trẻ về nhà nghỉ ngơi, tuy nhiên điều này là không nên và vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước. 

Các dấu hiệu có thể rất khó phát hiện như: khó thở, đau ngực kèm theo ho, cơ thể mệt mỏi, thay đổi hành vi… đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe của trẻ.

Tại Việt Nam, đuối nước là một vấn đề nghiêm trọng. Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em 5 - 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em 5-14 tuổi trên thế giới. 

Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. 

Nội dung: Trần Hồng Hải
Thiết kế: Đức Bình

Nội dung: Hồng Hải