Những xét nghiệm nào giúp phát hiện men gan cao?
(Dân trí) - Men gan là tên gọi chỉ các enzyme có trong tế bào gan. Khi có tổn thương gan, các men này tràn vào máu, làm tăng nồng độ men gan trong máu, báo hiệu gan đang bị tổn thương.
Khi bị men gan cao, các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài rất ít, và nếu có cũng khó phát hiện. Một số trường hợp không nhiều người bệnh cảm thấy hơi đau nhức ở vùng hạ sườn phải, đau nhẹ ở phần bụng dưới, giãn các vi mạch ở vùng cổ và vùng mặt.
Đây là những triệu chứng rất khó để nhận biết và cũng rất dễ nhầm lẫn với những biểu hiện của các căn bệnh khác. Bệnh nhân mắc men gan cao vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Giai đoạn tăng men gan có thể là thời gian ủ bệnh của một số bệnh về đường gan mật và có thể kéo dài từ một tuần đến vài tháng, thậm chí vài năm.
Đa phần dấu hiệu của men gan cao rất khó nhận biết, do đó cách tốt nhất là làm xét nghiệm kiểm tra chỉ số men gan định kỳ, để theo dõi và phát hiện những diễn biến bất thường ở gan.
Trong gan có bốn loại men, gồm:
- AST: aspartate transaminase tồn tại trong tế bào gan.
- ALT: alanin transaminase cũng nằm trong tế bào gan.
- Phosphatase kiềm: Nằm ở màng tế bào gan.
- GGT: gamma glutamyl transpeptidase trong thành tế bào của ống mật.
Trong đó, hai chỉ số AST và ALT thường được dùng để xác định mức độ tăng men gan.
Một người bình thường sẽ có nồng độ AST và ALT trong máu từ 20-40 UI/L.
Nếu chỉ số này tăng lên từ 2 tới 5 lần là tăng men gan ở mức độ trung bình, vượt quá 5 lần là mức độ nặng.
Cần phải kết hợp các triệu chứng và xét nghiệm của các bệnh khác mới có thể kết luận được nguyên nhân dẫn đến men gan cao, từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.