Chỉ điểm những "thủ phạm" khiến men gan tăng cao
(Dân trí) - Tỷ lệ người bị men gan cao đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy biết được nguyên nhân gây ra men gan tăng cao, triệu chứng của men gan cao là gì sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh.
Nguyên nhân dẫn tới men gan cao
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc men gan tăng cao, trong đó viêm gan là nguyên nhân chính. Nồng độ men gan tăng thường tỷ lệ thuận với mức độ viêm nhiễm của gan. Nghiện rượu, sốt rét, ung thư gan, ngộ độc hóa chất cũng làm cho men gan gia tăng một cách đáng kể. Bệnh về đường mật cũng có liên quan mật thiết với gan, nhất là các bệnh do sỏi đường dẫn mật, giun chui ống mật, viêm đường mật.
Các nguyên nhân này thường làm cho đường dẫn mật phù nề hoặc tắc nghẽn dịch mật khó lưu thông tác động đến tế bào gan, vì vậy làm tăng men gan. Ngoài ra người ta cũng nhận thấy có một số nguyên nhân ngoài gan như các bệnh nhiễm khuẩn nặng (bệnh sởi, Rubella, nhiễm khuẩn huyết) hoặc một số thuốc cũng có thể làm tăng men gan. Một số thuốc cũng có tác động rất lớn đến gan, thậm chí gây độc cho gan, điển hình nhất là một số thuốc chống vi khuẩn lao (INH, rifamixin…), thuốc thuộc nhóm fluoquinolon (ciprofloxacin), acetaminophen (paracetamol, tydol, efferalgan…). Ngộ độc do thuốc cũng có thể làm tăng men gan.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, men gan tăng nhưng không phải từ gan mà bởi các lý do khác, ví dụ hoạt động thể lực mạnh. Vì vậy trong thực tế, người ta thấy rằng khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng, nhất là trường hợp men gan tăng cao thì cần phải xem xét, cân nhắc kỹ càng hơn và đặc biệt lưu ý đến gan, mật.
Triệu chứng cảnh báo men gan cao
Các triệu chứng khi bị men gan cao rất nghèo nàn. Người bệnh chỉ thấy hơi đau ở hạ sườn phải, bụng trướng nhẹ, xuất hiện sự giãn các vi mạch ở cổ, mặt… Nhiều trường hợp dù men gan rất cao nhưng không có các triệu chứng lâm sàng, người bệnh vẫn lao động, học tập bình thường.
Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần, có khi vài tháng, thậm chí vài năm. Vì không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh chủ quan, không đi khám, không có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Nhiều người vẫn dùng rượu bia, thuốc lá, sử dụng những chất không có lợi cho gan… làm cho bệnh càng có cơ hội bùng phát mạnh ở giai đoạn tiếp theo. Nếu người bệnh chủ quan và không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường cũng như sẽ bỏ qua "thời gian vàng" để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng khác về gan như viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan.