Những "thủ phạm" có thể khiến trẻ em đối mặt với bệnh ung thư

Minh Nhật

(Dân trí) - Các loại ung thư xảy ở trẻ em khác với các loại ung thư ở người lớn. Các bệnh ung thư phổ biến ở trẻ gồm ung thư máu, u nguyên bào tủy, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào thận…

Nguyên nhân di truyền

Những thủ phạm có thể khiến trẻ em đối mặt với bệnh ung thư - 1

Những đứa trẻ được di truyền những đột biến ADN từ bố mẹ có nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn. Những biến đổi này hiện hữu trên tất cả các tế bào của đứa trẻ, do đó có thể phát hiện trên ADN của tế bào máu hoặc các tế bào khác. Một vài đột biến ADN này có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư, trong khi số khác có thể gây ra các hội chứng, bao gồm các triệu chứng về sức khỏe và phát triển thể chất.

Tuy nhiên, hầu hết ung thư ở trẻ em không có nguyên nhân đột biến di truyền, mà thường do các đột biến ADN xảy ra ở giai đoạn sớm trong cuộc đời đứa trẻ, thậm chí từ trước khi sinh ra. Mỗi lần tế bào phân chia thành 2 tế bào mới thì ADN cũng cần phải nhân đôi. Quy trình này là không hoàn hảo, và đôi khi có xảy ra lỗi, nhất là khi các tế bào nhân lên quá nhanh. Loại đột biến này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, và được gọi là đột biến mắc phải. Các đột biến mắc phải chỉ có ở trong tế bào của người mang đột biến, và sẽ không được truyền lại cho con cái của người đó.

Nguyên nhân gây biến đổi gen ở đa số ung thư trẻ em vẫn chưa được biết tới. Một số có nguyên nhân từ bên ngoài, như việc phơi nhiễm với phóng xạ, số khác chưa rõ nguyên nhân. Nhưng hầu hết ung thư trẻ em được cho là hậu quả của các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra bên trong tế bào, mà không có nguyên nhân bên ngoài.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, đứa trẻ có thể có những biến đổi gen khiến chúng dễ mắc một số bệnh ung thư nhất định. Trong những trường hợp này, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật dự phòng để cắt bỏ cơ quan nghi ngờ trước khi bệnh ung thư có thể khởi phát tại đây.

Khói thuốc và Formaldehyde là "sát thủ" đối với sức khỏe trẻ em

Những thủ phạm có thể khiến trẻ em đối mặt với bệnh ung thư - 2

Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển chức năng giải độc của gan chưa hoàn thiện nên dễ bị tổn thương bởi khói thuốc hơn. Cần biết các chất độc hại như nicotin, oxit và cacbon monoxit trong thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em. Ngoài ra, các vị phụ huynh cũng phải cảnh giác với chất formaldehyde. Theo các nghiên cứu dịch tễ học gần đây, Formaldehyde là một trong những khí hại có khả năng gây ung thư cao nhất trong nhà. Khí Formaldehyde dễ dàng bay hơi và tồn tại trong không khí nên dễ dàng tiếp xúc với con người qua mắt, da, mũi, họng và gây ra bệnh về hô hấp. Đặc biệt khi đi vào cơ thể, với nồng độ cao và thời gian tiếp xúc dài, Formaldehyde sẽ gây tác động đến hệ tạo máu.

Khí Formaldehyde phát thải hàng ngày từ các đồ dùng thông thường và hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong nhà như nấu nướng, tẩy rửa dùng hóa chất, từ các đồ nội thất như thảm, sàn, bàn, ghế gỗ công nghiệp… nên khó có thể sử dụng các thiết bị lọc liên tục.

Béo phì

Những thủ phạm có thể khiến trẻ em đối mặt với bệnh ung thư - 3

Béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường mà còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và ung thư ở trẻ sau khi trưởng thành.

Trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻTrong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức chính là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều gia đình Việt vẫn quan niệm "nuôi con bằng mắt", trẻ phải tròn trịa, đầy đặn thì mới "đạt chuẩn."

Các chuyên gia khuyến nghị, để giúp trẻ phát triển cân đối, phụ huynh cần theo dõi tiến trình phát triển của con thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết ngay nếu con vượt ngưỡng cân nặng và tuyệt đối không thờ ơ trước dấu hiệu thừa cân.

Hậu quả trẻ béo phì thường không đến ngay. Do đó, nhiều cha mẹ xem nhẹ tình trạng thừa cân, thậm chí còn có tâm lý chủ quan trẻ sẽ cân đối trở lại khi dậy thì. Cha mẹ cần phải dự phòng thừa cân, béo phì cho trẻ ngay từ sớm để giúp con phát triển cân đối, toàn diện và tránh được những hệ lụy sức khỏe khi trưởng thành.