Những nơi trú ngụ ưa thích của muỗi vằn gây sốt xuất huyết

(Dân trí) - Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 124.751 ca sốt xuất huyết, 15 người tử vong. Số bệnh nhân hiện tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, để phòng căn bệnh nguy hiểm này chỉ cần ngăn chặn và loại bỏ nguồn sinh sôi, phát triển của loài muỗi này.

Hơn 100 nghìn ca mắc, 15 trường hợp tử vong

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 124.751 ca sốt xuất huyết (SXH), 15 người tử vong.

Số bệnh nhân hiện tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. 10 tỉnh có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất cả nước là: Khánh Hòa, Đăk Nông, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đăk Lắk, Bình Phước, Đà Nẵng, Gia Lai, TP HCM, Phú Yên, Bình Dương.

Riêng tại Hà Nội 8 tháng đầu năm đã ghi nhận 1.852 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân phân bố tại 309 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện. Hà Nội đứng thứ 36 cả nước theo tỷ lệ ca bệnh trên 100.000 dân.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bên cạnh chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, Hà Nội kêu gọi mỗi người dân chủ động phòng chống SXH bằng cách ngăn chặn nguồn lây, không tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi phát triển.

Muỗi vằn có mặt khắp nơi trong nhà

Muỗi vằn truyền bệnh SXH có đặc tính thích sống gần người, trú ẩn ngay bên cạnh con người.

Những nơi trú ngụ ưa thích của muỗi vằn gây sốt xuất huyết - 1

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Loại muỗi gây bệnh SXH không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa ...

Những nơi trú ngụ ưa thích của muỗi vằn gây sốt xuất huyết - 2

Trong lọ hoa lưu cữ nước 2 ngày trở lên muỗi vằn đã có thể đẻ trứng. Vì vậy những bình thủy canh như thế này thường phát hiện cả "ổ" lăng quăng trong đó.

Có những vị trí người dân không ngờ tới lại là “ổ” lăng quăng; muỗi đẻ trứng trên vũng nước đọng của thùng cát cứu hỏa; trong ống sắt cắm cột cờ; trong lọ hoa lưu cữ nước 2 ngày trở lên… hay ngay trong một chút nước đọng ở vỏ hộp đồ ăn con bạn vừa vứt ra vườn…và cả trong đường ống nước thải của điều hòa.

Vì thế, bất cứ  đồ vật, đồ phế thải nào có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, nước đọng trong lốp xe hỏng xếp ngoài đường, vỏ dừa…đều là những nơi đẻ trứng ưu thích của muỗi.

Ngay cả bình nước trữ trên tầng cao của các hộ gia đình, khi gió bật nắp thì đây sẽ là môi trường lý tưởng cho muỗi đẻ trứng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết,  nhiều người nghĩ chống SXH thì diệt muỗi nên mới chú ý đến phun thuốc muỗi, ngăn muỗi đốt. Nhưng đó chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi một con muỗi cái nhiễm vi rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt vòng đời muỗi và truyền vi rút cho trứng; có thể đốt rất nhiều người vì có thể bay trong phạm vi 200m.

Một con muỗi đẻ khoảng 100 – 200 trứng mỗi lần, trứng nở ra lăng quăng, lăng quăng phát triển thành muỗi. Vì thế, nếu không ngăn được trứng đẻ muỗi, thì số lượng muỗi tăng gấp nhiều lần, diệt không xuể.

“Vì thế biện pháp ngăn chặn SXH cơ bản nhất vẫn là ngăn muỗi đẻ trứng, bọ gậy mới ngăn được SXH. Nếu người dân có ý thức, để ý quanh nhà, trong nhà những vật dụng có nguy cơ chứa nước đọng để dọn sạch sẽ ngăn ngừa SXH. Ngăn không cho muỗi có nơi đẻ trứng, không có lăng quăng, bọ gậy sẽ không còn SXH”, PGS Phu nói.

Trước ý kiến cho rằng phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để, PGS Phu cho biết các hóa chất diệt muỗi lưu hành trên thị trường đều đã được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên việc phun thuốc cần có sự hợp tác, đồng thuận của người dân.

“Ví như một ngôi nhà 4 tầng, khi phun thuốc phải phun tất cả các tầng. Chứ chỉ cho dự phòng phun thuốc ở tầng 1, không phun ở tầng cao không có tác dụng bởi muỗi bay và di chuyển. Phun thuốc cũng cần thực hiện tại tất cả các nhà trong cùng một khu vực. Nhưng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp ngăn muỗi đẻ trứng, bọ gậy mới ngăn được SXH”, PGS Phu nói.

Vì thế, mỗi người dân, gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...

Các chuyên gia dự báo dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc bệnh tại nhiều địa phương. Nguyên nhân là do diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Hồng Hải