Vắc xin bảo vệ cơ thể trước virus sốt xuất huyết như thế nào?
(Dân trí) - Vắc xin phòng sốt xuất huyết chứa 4 chủng virus dengue đã bị làm cho suy yếu. Sau khi tiêm vào cơ thể, các kháng nguyên này sẽ kích hoạt các đáp ứng miễn dịch theo 3 bước.
Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi 1 trong 4 loại virus dengue là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Sốt xuất huyết dengue là vấn đề y tế công cộng điển hình ở các nước thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là châu Mỹ Latinh và châu Á.
Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Năm 2019 con số này là 320.331 ca bệnh, 53 trường hợp tử vong, số ca mắc cao nhất trong 32 năm trở lại đây.
Người nhiễm virus dengue thường sẽ biểu hiện triệu chứng sau 2-7 ngày và các triệu chứng này có thể kéo dài đến 1 tuần. Các triệu chứng điển hình bao gồm: sốt cao, đau đầu, viêm kết mạc, sưng, viêm xương khớp, buồn nôn, sưng hạch và nặng nhất là xuất huyết. Hiện tượng xuất huyết xảy ra khi virus xâm nhập được vào mạch máu, làm các tĩnh mạch trở nên dễ thấm hơn, khiến máu bị rò rỉ ra bên ngoài. Việc ứ đọng máu ở phúc mạc và khoang màng phổi gây nên các vấn đề nghiêm trọng ở hệ tuần hoàn và một số trường hợp nặng có thể dẫn đến cái chết của bệnh nhân.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó vắc xin phòng bệnh vẫn còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả và an toàn với người sử dụng.
Dengvaxia là loại vắc xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép vào năm 2019. Hiện nay, Dengvaxia đã được cấp phép ở 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dẫu vậy, vì lý do an toàn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia cấp phép cho Dengvaxia đều khuyến cáo chỉ sử dụng vắc xin này ở những người đã từng nhiễm sốt xuất huyết và hồi phục trước đó.
Về cơ chế hoạt động, cũng giống như các loại vắc xin khác, Dengvaxia chứa 4 chủng virus dengue gây sốt xuất huyết đã bị làm cho suy yếu. Sau khi tiêm vào cơ thể, các kháng nguyên này sẽ kích hoạt các đáp ứng miễn dịch theo 3 bước:
- Trước hết, các tế bào tua (các tế bào chuyên làm nhiệm vụ trình diện kháng nguyên cho các tế bào T) sẽ nhanh chóng bắt lấy virus dengue từ vắc xin thâm nhập vào cơ thể, rồi mang chúng đến hạch bạch huyết thông qua hệ mạch bạch huyết.
- Tại hạch bạch huyết, tế bào tua sẽ trình diện kháng nguyên cho các tế bào T (1 trong 2 loại tế bào lympho có chức năng phá hủy các tế bào bị tổn thương, đồng thời cảnh báo về tác nhân xâm hại cho các tế bào khác).
- Tế bào T sau khi được kích hoạt, theo phản ứng dây chuyền sẽ kích hoạt tế bào B (tế bào lympho có chức năng tạo ra kháng thể). Tế bào B đã hoạt hóa sẽ nhân lên về số lượng, đồng thời tạo ra 4 loại kháng thể đặc hiệu với 4 loại virus dengue. Lượng kháng thể này sẽ được giải phóng đi khắp cơ thể thông qua mạch máu.
Khi muỗi vằn mang virus dengue đốt 1 người đã được chủng ngừa vắc xin, virus thâm nhập vào cơ thể, thông qua nước bọt của muỗi, sẽ nhanh chóng được nhận diện bởi các kháng thể đặc hiệu đã được sản sinh nhờ vắc xin, theo cơ chế chìa khóa - ổ khóa. Các kháng thể này sẽ bám lên thụ thể trên bề mặt virus và từ đó bất hoạt virus.
Minh Nhật
Theo Sanofi Pasteur