Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết “gây họa” trong mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những cơn mưa đầu mùa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 26/5 cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác giám sát và thống kê các loại bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay ghi nhận trên địa bàn có 6.893 ca mắc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 120 trường hợp nhiễm bệnh phải nhập viện điều trị.
Trong tuần 21, toàn thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 9 phường, xã thuộc 6/24 quận, huyện. Công tác phun hóa chất diệt muỗi và thực hiện khoanh vùng xử lý ổ dịch đã được ngành y tế thực hiện. Sốt xuất huyết hiện đang gia tăng tại quận 3, quận 6, quận 9, quận 11, quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM đã giảm mạnh (khoảng 70%). Theo phân tích của Sở Y tế, bệnh giảm là do từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, lượng người nhập cư vào thành phố giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời tiết mùa khô với nắng nóng kéo dài là yếu tố bất lợi đối với sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, những tuần gần đây, khi giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng, các hoạt động của người dân trong tình hình mới gần như đã trở lại bình thường, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nếu không có giải pháp ngăn chặn các yếu tố nguy cơ, sốt xuất huyết sẽ gia tăng nhanh, đe dọa sức khỏe của cộng đồng, gây áp lực lên ngành y tế khi cùng lúc phải phòng chống dịch Covid-19 và sốt xuất huyết cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
Sở Y tế khuyến cáo, bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, người dân cần lưu ý phòng ngừa sốt xuất huyết, vệ sinh thông thoáng nơi ở, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố khuyến cáo: "Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin chủng ngừa, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định cho việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết. Sự cảnh giác cao độ với bệnh tật sẽ giúp chủ động phòng tránh những rủi ro về sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Mỗi người hãy dành 15 đến 20 phút trong tuần để dọn dẹp tất cả vật dụng, ổ chứa nước có lăng quăng. Nếu không có vật dụng chữa nước thì muỗi sẽ không có nơi sinh sản, không có muỗi thì không có bệnh sốt xuất huyết".
Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ biến chứng, tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu chẳng may bị sốt 3 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết. Bệnh sẽ diễn tiến rất nguy hiểm ở nhóm những người béo phì, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.
Khi có biểu hiện nhiễm bệnh người dân không nên tự ý mua thuốc tự điều trị mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, có phương án điều trị phù hợp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 các bệnh viện đã thiết lập hệ thống khám, sàng lọc bệnh và thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, vì vậy người bệnh không nên lo lắng mà cần chủ động đến khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Vân Sơn