Những nguyên tắc phòng ngừa ung thư hậu môn
(Dân trí) - Quan hệ tình dục an toàn giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus HPV và HIV, đây vốn là 2 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn.
Hậu môn là bộ phận cuối cùng trong hệ thống đường tiêu hóa, tiếp nối với trực tràng. Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị đột biến, phát triển không kiểm soát tạo nên các khối u.
Theo Bệnh viện K, hậu môn được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào khác nhau, các tế bào này đều có thể trở nên ác tính. Có 5 type ung thư hậu môn được phân loại dựa trên 5 loại tế bào khác nhau:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Hay gặp nhất.
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (cloacogenic carcinoma): Chiếm 25%, khối u xuất phát từ những tế bào gần tương tự như tế bào vảy.
- Ung thư biểu mô tuyến.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: Là một dạng của ung thư da xuất hiện tại vùng da xung quanh hậu môn
- Ung thư hắc tố Melanoma.
Nguyên tắc phòng ngừa ung thư hậu môn
Để phòng ngừa ung thư hậu môn thì chúng ta cần chú ý một số điều sau:
- Quan hệ tình dục an toàn giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus HPV và HIV, đây là 2 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn. Không nên quan hệ tình dục qua đường hậu môn, trong trường hợp có quan hệ qua đường hậu môn cần sử dụng bao cao su.
- Tiêm phòng vaccine HPV.
- Hạn chế tối đa các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá. Việc này không chỉ giúp làm giảm nguy cơ ung thư hậu môn mà còn nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác.
- Nâng cao miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh, có thể kết hợp sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý như trĩ, viêm hậu môn.
Người bệnh ung thư hậu môn nên ăn gì?
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh ung thư hậu môn cần ăn bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi. Cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh ăn nhiều một lúc, thức ăn cần được chế biến dưới dạng mềm, lỏng như cháo hoặc súp. Người bệnh cần nghỉ ngơi ngay sau khi ăn.
Người bệnh cần tránh các đồ ăn giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và tránh đồ uống có ga, chất kích thích (rượu, bia, cà phê,…). Người bệnh cũng cần tránh các đồ cay nóng (ớt, hạt tiêu,…) và các thực phẩm chua (dưa, cà muối).
Sử dụng phong phú thực đơn ăn uống cho người bệnh ung thư để tăng cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, người bệnh cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Cần tái khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và tiến triển tình trạng bệnh.