3 thay đổi trong cuộc sống giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi

Minh Nhật

(Dân trí) - Đối với ung thư phổi, khói thuốc lá là nguyên nhân liên quan đến 85-90% số trường hợp mắc bệnh.

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K lưu ý, chủ động phòng chống ung thư phổi bằng những thói quen đơn giản giúp giảm tỉ lệ mắc và tăng cơ hội sống sót cho những người mang căn bệnh này.

Dưới đây là 3 thói quen cần thay đổi giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi:

Ngưng hút thuốc lá

3 thay đổi trong cuộc sống giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi - 1

Đối với ung thư phổi, khói thuốc lá là nguyên nhân liên quan đến 85-90% số trường hợp (Ảnh: Makati Medical Center).

Theo thông tin từ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K, trong các bệnh ung thư nói chung, ngoài yếu tố gen di truyền thì môi trường sống là yếu tố chính thúc đẩy hình thành tế bào ung thư.

Đối với ung thư phổi, khói thuốc lá là nguyên nhân liên quan đến 85-90% số trường hợp và làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 20-30 lần so với người không hút thuốc.

Khói thuốc lá cũng liên quan đến các ung thư vùng đầu mặt cổ, ung thư thận, ung thư bàng quang, tử cung và thực quản. Ngoài ra, khói thuốc cũng góp phần làm tăng các bệnh lý tim mạch và hô hấp.

Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư phổi là nói không với thuốc lá. Người hút thuốc có thể giảm nguy cơ của không chỉ ung thư phổi mà còn nhiều các bệnh về phổi khác.

Ngưng hút thuốc cũng giảm nguy cơ ung thư cho những người xung quanh. Ở người đã cai nghiện thuốc lá thành công, khả năng phòng ngừa ung thư phổi phụ thuộc thời lượng, lượng thuốc người đó hút trong quá khứ và thời lượng kể từ khi bỏ thuốc.

Ở người bỏ thuốc 10 năm, nguy cơ ung thư giảm từ 30% - 50% so với người không bỏ thuốc.

Giảm thiểu tiếp xúc với khí Radon

3 thay đổi trong cuộc sống giúp làm giảm nguy cơ ung thư phổi - 2

Việc làm giảm lượng Radon trong không khí làm giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là với đối tượng dễ mắc phải như người hút thuốc lá (Ảnh: Ekologia).

Khí Radon là một khí có tính phóng xạ tự nhiên có nguồn gốc từ sự phân rã uranium trong đất đá.

Radon thoát ra từ các vết rạn và lỗ trống rất nhỏ trong mặt đất, và khuếch tán vào trong không khí hoặc nguồn cấp nước. Khí này cũng có thể khuếch tán vào trong nhà qua các vết rạn trên sàn nhà, tường nhà và có thể tích tụ theo thời gian.

Sự tích tụ của khí Radon trong nhà có liên hệ với sự tăng số lượng ca mắc ung thư phổi mới và số tử vong do ung thư phổi. Ngoài ra, nguy cơ ung thư phổi cũng cao hơn ở những người hút thuốc tiếp xúc với Radon. Nhà thông thoáng giúp giảm nồng độ khí Radon.

Việc làm giảm lượng Radon trong không khí làm giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là với đối tượng dễ mắc phải như người hút thuốc lá. Việc mở cửa sổ, tăng cường sự thông khí trong nhà hay bịt kín các khe hở dưới hầm góp phần làm giảm tác động của lượng khí.

Các bác sĩ của Bệnh viện K cũng khuyến cáo, khi được chẩn đoán ung thư phổi, người bệnh đừng vội suy sụp bởi ung thư phổi không phải là án tử. Đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ điều trị và luôn nhớ rằng trong cuộc chiến chống ung thư thì người thầy thuốc và bệnh nhân là cùng một chiến tuyến, cùng nhau chiến đấu chống lại, chiến thắng bệnh tật.

Giảm thiểu tiếp xúc với chất độc trong môi trường làm việc

Tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn khỏi các chất gây ung thư như: amiăng, asen, niken, và chromium, có thể giảm nguy cơ hình thành ung thư phổi.

Ngoài ra, việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, khói bụi cũng hạn chế các tác động có hại lên phổi và giảm nguy cơ gây ung thư.