Ung thư cổ tử cung nên kiêng gì?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là một trong số các bệnh phụ khoa nguy hiểm thường gặp nhất ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi cũng như điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm.

Trong suốt quá trình điều trị ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, tâm lý tích cực, tập luyện phù hợp… thì chế độ dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nguy cơ khối u phát triển.

Theo Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, bên cạnh những thực phẩm có thể đẩy lùi và chống đỡ với bệnh hiệu quả thì một số loại thực phẩm lại "tiếp tay" khiến tình trạng trở nên tồi tệ. Bạn cần tránh những loại thực phẩm sau đây khi điều trị bệnh ung thư cổ tử cung:

- Bệnh nhân ung thư cổ tử cung không nên ăn các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh hoặc những đồ ăn có vị cay, đắng, quá mặn hoặc nóng. Không nên sử dụng các phương pháp chế biến như chiên rán, hun gói, ướp đông, nướng, phương pháp muối như cà muối, dưa muối...

Ung thư cổ tử cung nên kiêng gì? - 1

Ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (Ảnh: Internet).

- Bệnh nhân có thể mất cảm giác ngon miệng trong quá trình điều trị ung thư, vì vậy, không nên cho bệnh nhân ăn các đồ ăn khô, khó nuốt. Nên chọn những thức ăn mềm, dễ ăn. Đặc biệt, nên chiều theo ý thích của bệnh nhân.

- Không nên cho bệnh nhân ăn những đồ ăn có lượng calo, protein thấp vì người bệnh cần có đủ năng lượng để chiến đấu với bệnh tật.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể bị táo bón. Không nên sử dụng thuốc nhuận tràng vì nó có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung nên được ăn nhiều bữa một ngày. Bởi cảm giác buồn nôn và nôn do tác dụng phụ của thuốc điều trị có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thức ăn của người bệnh. 

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Giai đoạn nặng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng hơn bao gồm:

- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.

- Dịch âm đạo chảy nước, có máu, có mùi hôi.

- Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm:

- Có nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình của bạn càng nhiều thì khả năng nhiễm HPV của bạn càng lớn.

- Quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục khi còn nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.

- Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác (STIs): Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác - chẳng hạn như chlamydia, lậu, giang mai và HIV / AIDS - làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.

- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Bạn có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu do một tình trạng sức khỏe khác.

- Hút thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến ung thư cổ tử cung tế bào vảy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm