Những nguy cơ đe dọa sức khỏe dân văn phòng

(Dân trí) - Thoạt nhìn thì văn phòng có vẻ là nơi làm việc tuyệt đối an toàn và lành mạnh.

Không có những mối nguy hiểm nhìn thấy rõ ràng như ở những môi trường làm việc khác, như trên công trường xây dựng hoặc trong nhà máy, và nhân viên văn phòng còn được làm việc theo giờ cố định, chứ không phải làm theo ca kíp có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học.

Những nguy cơ đe dọa sức khỏe khi làm việc trong văn phòng
Tư thế rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi phải làm việc bàn giấy trong thời gian dài. Người phụ nữ này có nguy cơ bị chấn thương ở lưng và cổ do cúi ra trước.

Nhưng văn phòng không phải là nơi hoàn toàn không có những mối đe dọa đối với sức khỏe, thậm chí những mối đe dọa này cũng không kém so với những nơi làm việc khác.

Một trong những vấn đề nổi bật bắt nguồn từ việc phải ngồi gần như suốt cả ngày. Nghiên cứu đã cho thấy thời gian phải ngồi mỗi ngày có liên quan với nguy cơ cao bị nhiều bệnh khác nhau.

“Đút chân gầm bàn”

Việc ngồi nhiều ngày mỗi giờ rất không tốt cho sức khỏe. Việc phải ngồi nhiều vừa làm giảm thời gian dành cho việc luyện tập, vừa liên quan với những hậu quả xấu cho sức khỏe, bất kể bạn có vận động thể lực nhiều đến mức nào.

Tuy ngồi ở bàn có vẻ là một việc vô cùng đơn giản, nhưng đây cũng là việc mà mọi người hay làm sai nhất. Các nhân viên văn phòng thường than phiền về tình trạng nhức mỏi ở cổ tay, đau lưng và đau vai gáy, và những điều này đều xuất phát từ tư thế của cơ thể trong khi làm việc.

Tư thế đúng khi ngồi làm việc là bước đầu tiên cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe khi bạn làm ở văn phòng. Khi ngồi trước máy tính, cơ thể cần ở tư thế chính giữa màn hình và bàn phím. Bạn cần ngồi thẳng với bàn chân đặt thoải mái trên sàn nhà. Nếu không thể được như vậy thì cần dùng cái kê chân. Đùi cần ngang bằng với đầu gối và cao ngang với hông.

Cẳng tay cũng cần để ngang bằng hoặc hơi chúc nhẹ. Khi đánh máy, cổ tay cần ở tư thế thẳng và tự nhiên. Sử dụng tấm đỡ cổ tay có thể làm giảm stress ở cổ tay và giúp ngăn ngừa tư thế xấu.

Có nhiều sai lầm về tư thế mà bạn có thể mắc phải khi ngồi, và chúng dễ dàng trở thành thói quen nếu không để ý:

- Chùng vai – tư thế này khiến lưng phải chịu nhiều áp lực, làm tổn thương dây chẳng, khớp và mô mềm ở vùng này và có thể dẫn tới gù.

- Ngồi bắt chéo chân – tư thế này gấp ở khớp háng, khiến bạn khó ngồi thẳng và khiến vai bị thõng xuống. Ngồi bắt chéo chân cũng làm mất cân bẳng các cơ ở khớp háng, gây đau và cứng.

- Cúi đầu – có thể khiến lồng ngực bị bó chặt và khiến lưng trên bị yếu, dẫn tới gù, đau và cứng.

- Đưa cằm ra trước – đôi khi triệu chứng gù lưng hoặc ngồi lom khom là nỗ lực để bù lại áp lực quá lớn ở bên dưới, có thể dẫn tới yếu cơ xung quanh cổ

- Kẹp điện thoại – nhiều nhân viên văn phòng phải dùng điện thoại thường xuyên hay có thói quen kẹp điện thoại giữa tai và vai để rảnh tay thao tác trên máy tính hoặc ghi chép. Động tác này có thể làm yếu các cơ vùng cổ, dẫn tới mất cân bằng ở cơ, gây ra đau đầu.

Nhân viên văn phòng cũng được khuyên nên đứng dậy và đi lại mỗi khi có thể, và nên bố trí góc làm việc thật khoa học sao cho mọi thứ cần thiết đều ở trong tầm với để không bị chấn thương vì phải với quá xa.

Máy tính: quái vật trong văn phòng

Ngày nay, hầu hết những người làm việc bàn giấy đều có một chiếc máy tính trước mặt. Mặc dù thiết bị này giúp cho nhiều công việc trở nên dễ dàng, song chúng cũng khiến sức khỏe của các nhân viên văn phòng gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, nơi đặt máy tính và phần cứng của máy tính có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tư thế. Chiều cao của màn hình máy tính sẽ quyết định chiều cao của ghế ngồi – màn hình cần được đặt ngay trước mặt của người dùng, cách khoảng một cánh tay, với đỉnh của màn hình ngay dưới mức ngang mắt.

Để tránh căng mắt, cần chú ý đến cả màn hình máy tính và ánh sáng trong văn phòng. Màn hình cần được điều chỉnh sao cho độ sáng và độ tương phản của nó phù hợp với điều kiện ánh sáng trong phòng, và ánh sáng trong phòng không nên để quá chói.

Độ lóa của màn hình là nguyên nhân chính gây căng mắt và có thể giảm bằng cách không đặt màn hình đối diện với cửa sổ. Nếu chỗ ngồi ở gần cửa sổ, hãy sử dụng màn che và rèm để giảm lượng ánh sáng chiếu vào màn hình.

Phông chữ trên máy tính quá nhỏ có thể gây mỏi mắt và dẫn đến những tư thế có hại, vì người làm phải cúi người ra trước để đọc văn bản. Tăng kích thước phông chữ hoặc phóng to nó trên một trang khi đọc sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ này.

Đánh máy là một hành động lặp đi lặp lại khiến bàn tay và cổ tay phải chịu áp lực rất lớn. Nếu phải thực hiện với lực đủ mạnh và trong thời gian đủ dài, nó có thể dẫn tới đau, thậm chí mất khả năng làm việc. Ở nhân viên văn phòng, nó có thể dẫn đến chấn thương tái diễn do co kéo, trong đó mô quanh khớp bị viêm hoặc xương bị rạn do stress.

Có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm giảm các chấn thương cổ tay do đánh máy bằng cách giữ tư thế đúng khi đánh máy. Cổ tay cần giữ ở tư thế tự nhiên, thoải mái. Đệm mút hoặc gel nâng đỡ cổ tay có thể mang lại thêm tác dụng bảo vệ.

Một điều quan trọng cần nhớ khi sử dụng máy tính trong văn phòng là phải thường xuyên giải lao. Cứ mỗi một giờ làm việc trên máy tính bạn cần nghỉ giải lao 10 phút để cơ thể phục hồi và giảm nguy cơ chấn thương.

Việc nghỉ giải lao có thể bao gồm làm những công việc khác không phải động đến máy tính, đứng dậy và đi lại, hoặc ăn chút gì đó (nếu có thể) để nạp thêm năng lượng cho cơ thể.

Làm thế nào để cải thiện sức khỏe khi bạn làm việc văn phòng

Rất may là công việc văn phòng cũng mang đến nhiều cơ hội để bạn hoạt động thể chất, và nếu tích hợp được chúng vào nếp làm việc thì không có lý do gì để công việc văn phòng cản trở bạn có một sức khỏe tốt.

- Đi bộ hoặc đi xe đạp đi làm. Xuống xe buýt trước hơn một bến hoặc đỗ xe ở xa rồi đi bộ tới nơi làm việc.

- Đứng làm việc thay vì ngồi càng nhiều càng tốt. Tìm càng nhiều cớ để ra khỏi ghế càng tốt.

- Tranh thủ lúc nghỉ giải lao để đi dạo hoặc làm vài động tác kéo giãn cơ bắp.

Có thể nói, nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe của nhân viên văn phòng là lối dống ít vật động. Câu trả lời là hãy vận động thật nhiều. Đứng dậy ít nhất 45 phút mỗi lần và đi bộ ít nhất 7.000 bước mỗi ngày.

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday