1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người "vật lộn" tăng cường sức khỏe để... được hiến máu

Hồng Hải

(Dân trí) - Được vợ "rủ rê" đi hiến máu, ngay lần đầu tiên anh Kiên (Hà Nội) đã sốc vì mỡ máu, không đủ điều kiện hiến. Hay chị Trang, sau 4-5 lượt bị từ chối vì thiếu máu, giờ chị còn hiến tiểu cầu đều đặn.

Kỷ luật bản thân để đủ điều kiện hiến máu

Sáng 18/11, có mặt tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023 diễn ra tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cả hai anh chị Ngô Thị Bích Huệ (sinh năm 1987) và anh Nguyễn Đặng Kiên (1980) đều tham gia hiến tiểu cầu.

Để cùng nhau hiến tiểu cầu, anh chị "trốn" con từ 6h sáng, đèo nhau từ Mỹ Đức ra Hà Nội.

"Sau khi hiến tiểu cầu khoảng 90 phút, nghỉ ngơi thêm chút, chúng tôi có ngày trốn con đi hâm nóng lại tình cảm", chị Huệ vui vẻ chị sẻ.

Những người vật lộn tăng cường sức khỏe để... được hiến máu - 1

Chị Huệ tham gia hiến tiểu cầu sáng 18/11 (Ảnh: Hồng Hải).

Chị Huệ cho biết, cả 2 vợ chồng đã tham gia hiến máu và tiểu cầu 15 lần. Từ thời sinh viên chị đã tham gia hiến máu, rồi tiếp tục hiến máu ở trường học nơi chị giảng dạy. Nhưng từ đợt Hà Nội tăng ca sốt xuất huyết trước đó, nhiều người thiếu tiểu cầu trầm trọng, chị tìm hiểu và đủ điều kiện để hiến tiểu cầu.

"Từ đó đâm "nghiện", nên cứ đến lịch là mình đi hiến tiểu cầu. Hiến tiểu cầu thời gian hiến lại được nhanh hơn so với thời gian hiến máu, nhiều lúc chờ đến đợt bận không đi được là rất sốt ruột, chỉ mong hiến được tiểu cầu để giúp người bệnh", chị Huệ chia sẻ.

Cũng đang nằm hiến tiểu cầu, anh Kiên chồng chị Huệ cho biết, cách đây 3 năm, anh bị vợ "rủ rê" đi hiến máu.

"Lúc đầu thì sợ kim tiêm, khi quyết tâm đi được thì... sốc vì ngay lần đầu tiên, người to khỏe như mình mà lại thua vợ, không đủ điều kiện hiến máu vì mỡ máu", anh Kiên kể.

Những người vật lộn tăng cường sức khỏe để... được hiến máu - 2

Sau lần không đủ điều kiện hiến máu vì mỡ máu, đến nay anh Kiên đã hiến máu, tiểu cầu 15 lần (Ảnh: Hồng Hải)

Khi trở về nhà, anh lặng lẽ thay đổi chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, rồi chăm chỉ vận động mỗi ngày, sau một năm, quay lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh đã đủ điều kiện.

"Từ 2020 đến nay mình hiến máu và tiểu cầu đều đặn, đã 15 lần", anh Kiên nói.

Lập hội nhóm "rầm rập" 80 người luân phiên hiến máu

Cũng giống như anh Kiên, chị Lê Thị Hoài Trang (Thường Tín, Hà Nội) từ chỗ thiếu sắt, thiếu máu, 4-5 lượt bác sĩ đều lắc đầu, nay chị 7 lần hiến máu đều đặn. Mới nhất, khi kiểm tra sức khỏe đủ điều kiện hiến tiểu cầu, chị vui mừng ra mặt.

"Thế là mình không còn "thua" chồng (dù vẫn thua về số lượng, chồng chị đã 50 lần hiến máu, tiểu cầu", quan trọng mình vượt qua bản thân, để có một sức khỏe tốt hơn đủ điều kiện hiến máu", chị Trang nói.

Trước đó, sau khi bị từ chối 4-5 lần hiến máu, về nhà, suốt 2 năm trời chị kiên nhẫn thay đổi chế độ ăn, vận động, để sau khi xét nghiệm trở lại, chị đã rất vui vì đủ điều kiện hiến máu với chồng.

Chồng chị là anh Ngô quốc Điệp, là một trong những người hiến tiểu cầu được tôn vinh lần này còn là "chủ tịch" nhóm hiến máu cứu người Thường Tín + Phú Xuyên.

Những người vật lộn tăng cường sức khỏe để... được hiến máu - 3

Vợ chồng anh Điệp, chị Trang tại sự kiện (Ảnh: Hồng Hải).

Anh Điệp cho biết, từ năm 2015 anh đã tham gia hiến máu, sau đó tham gia hiến tiểu cầu. Đi viện hiến, biết được những thông tin về thiếu máu, thiếu tiểu cầu nhiều người bệnh vật vã chờ đợi, anh về nhà có ý tưởng lập ra hội nhóm, kêu gọi mọi người cùng đi hiến máu.

Đến nay, nhóm của anh đã có 80 người thường xuyên tham gia hiến máu. Từ Thường tín, tháng ít thì 1 lần, nhiều thì 3 lần, anh dùng xe nhà hoặc xe của một thành viên trong nhóm lên La, bao trọn tiền xăng xe đưa mọi người đi hiến máu.

Theo anh Điệp, nhìn vào những việc trong nhóm làm, chia sẻ trên facebook, giờ thôn của anh, từ chỗ xưa chỉ có số người hiến máu trên đầu ngón tay, giờ cả trăm người đã tham gia hiến máu.

Ngày 18/11/2023, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023. Đây là lần thứ 4 chương trình được tổ chức với thông điệp đã gắn bó từ chương trình đầu tiên "Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng".

Có hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2023, được lựa chọn từ hàng ngàn người hiến tiểu cầu tình nguyện. Đặc biệt năm 2023, rất nhiều tập thể, nhóm có nhiều thành viên cùng tham gia hiến tiểu cầu nhiều lần được tôn vinh, có nhiều người đã tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu 19 - 20 năm.

TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người nếu đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm.

Tuy nhiên, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn.

Toàn bộ quá trình hiến là vòng tuần hoàn khép kín, được thực hiện qua bộ gạn tách riêng để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 70 - 90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút).

TS Quế cho biết, tính hết tháng 10/2023, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến.

Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên. Người hiến tiểu cầu đã đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm 2023.

Những người vật lộn tăng cường sức khỏe để... được hiến máu - 4

Hơn 200 người được tôn vinh trong đợt này (Ảnh: Bệnh viện).

"Không chỉ chia sẻ sự sống từ cơ thể mình mà các anh chị còn chia sẻ cả thời gian, công sức, những thứ còn quý hơn cả vàng để giúp đỡ người bệnh. Chúng tôi xin tri ân những nghĩa cử cao đẹp đó", TS Quế nói.

Tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

Nếu tiểu cầu giảm thấp thì gây tình trạng chảy máu và xuất huyết, thậm chí dẫn đến xuất huyết não, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

TS Quế mong muốn những người hiến tiểu cầu sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với Viện, luôn sẵn sàng để hiến theo kế hoạch và chủ động đăng ký, xếp lịch để phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Thực tế năm vừa qua, mới chỉ hơn 61% người hiến tiểu cầu đăng ký trước qua link và trong số đó, chỉ 68% đến đúng theo lịch đã hẹn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm