Những loại thức ăn “hỡi ôi” chỉ có ở cơm bụi

Tất cả các chủ quán đi mua hàng đều có thể nhận ra bệnh. Thế nhưng, bệnh hay ế có quan trọng gì đâu. Cứ mua về thái mỏng ra ướp tiêu, hành, tỏi... thật đậm rồi kho lên, có trời mới biết. Vi trùng, vi khuẩn chắc cũng chết ráo.

Những loại thức ăn “hỡi ôi” chỉ có ở cơm bụi - 1

Đành nhắm mắt ăn những thực phẩm “khuất mắt trông coi” này mãi sao?
Đêm dần về sáng, khu chợ đầu mối phía Nam thành phố Hà Nội tấp nập lạ thường. Trên những chiếc xe máy cà tàng vắt vẻo những chú lợn phơi bụng trắng hếu, móng quết đất hoặc những bao tải cá, gà... Nước chảy tong tong theo vòng lăn bánh xe tiến vào chợ.

 

Vừa bước vào cổng, tôi gặp ngay bà béo bán cơm bụi ở phố Dương Quảng Hàm, ông Quân chủ quán cơm văn phòng ở Mai Dịch, cô Lan bán bia hơi ở Trung Hòa...

 

Ông Quân vẫy tôi lại bảo nhỏ: “Chú lại đi “do thám” hả? Kheo khéo kẻo chúng nó biết là mệt đấy. Đến quá nửa khách ở chợ này là chủ các quán cơm bụi, cơm văn phòng, quán nhậu ở Hà Nội. Chú đi xách đồ hộ anh cho nó lành”.

 

Thịt lợn: Rẻ như bèo và chất lượng thì...

 

Góc chợ bên phải cửa ra vào là nơi “hội quân” của các phản thịt. Dễ có đến hàng chục tấn thịt bày ê hề ở đây. Từng tảng thịt đỏ hỏn được vứt bình bịch thẳng xuống nền chợ có trải mấy tấm bao bì. Chủ hàng tay dao, tay thớt nhoay nhoáy pha thịt miệng nói như đài phát thanh: “Hết tai xanh rồi cúm lợn, không dám làm nhiều hàng, hôm nay chỉ có năm con thôi. Vai 22.000 đồng/kg, sườn 28.000, thịt thăn 43.000...”.

 

Những cái giá khó tin, “đầy tình thương”, chỉ bằng một nửa giá ở các khu chợ khác.

 

Ông Quân rỉ tai: “Ngạc nhiên quá phải không? Đừng để mắt bị đánh lừa. Chú cứ sờ vào sẽ biết ngay thôi. Tiền nào của đấy mà”.

 

Tôi sờ vào những tảng thịt cảm giác hơi nhũn, rời rạc ở đầu ngón tay. Thịt có màu vàng thay vì đỏ tươi như bình thường. Ở một số mẹt còn có máu đen nhỏ li ti đọng lại. Dù người không thông thạo nội trợ cũng biết đây là loại thịt lợn hạng ba.  

 

Theo tiết lộ của một người bán hàng ở chợ, thịt lợn chủ yếu có hai nguồn. Nguồn dồi dào nhất chính là các loại thịt lợn ế 2 - 3 ngày ở các chợ khác. Khi không thể bán cho các bà, các chị nội trợ sành ăn, người ta bán lại cho những người chuyên thu gom mang về chợ này bán.

 

Loại thịt lợn này thường bị bỏ vào tủ đông nên khi đem ra thịt đã nhão rồi, mềm và nhạt.

 

Một số chủ hàng còn dùng công nghệ săm-pết để bảo quản.

 

Ông Quân nói khẽ: “Không biết họ dùng hóa chất loại gì quết lên thịt rồi cất vào nơi thoáng mát. Cả tuần sau thịt vẫn tươi, không bị hôi, thiu. Đấy, những miếng thịt có thớ đỏ, sợi se cứng là đã săm-pết rồi”.

 

Loại hóa chất ông Quân nói có màu vàng trắng, được dân trong nghề gọi với tên lóng là “pết”. “Pết” có giá rất rẻ, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Thực ra đây chính là diêm tiêu, loại hóa chất được các nhà khoa học cảnh báo là độc hại, có thể gây ung thư.

 

Nguồn thịt thứ hai là lợn chết vì bệnh, lợn nái sề chết ở các trang trại. Hàng ngày, các đội quân thu mua đi gom về với giá rẻ như bèo rồi xẻ thịt bán. Riêng nội tạng, đầu, chân sẽ bị phi tang ngay lúc mổ. Loại thịt này có màu hơi đen.

 

“Tất cả các chủ quán đi mua hàng đều có thể nhận ra bệnh. Thế nhưng, bệnh hay ế có quan trọng gì đâu. Cứ mua về thái mỏng ra ướp tiêu, hành, tỏi... thật đậm rồi kho lên, có trời mới biết. Vi trùng, vi khuẩn chắc cũng chết ráo”, ông Quân tiết lộ.

 

Chợ vẫn ồn ào kẻ bán người mua. Phía sau những phụ nữ đang thoăn thoắt chặt thịt, thu tiền là nơi các đấng nam nhi “chế tác” món thịt xay, làm giò, thủ lợn.

 

Những thứ đầu thừa đuôi thẹo, thịt lọc ra từ những rẻ sườn và ngay cả những tấm da lợn lởm chởm bám đầy đất được tống thẳng vào chiếc máy xay cáu bẩn chạy cót két. Từ cái phễu bằng tôn, đống thịt xay hổ lốn chảy xuống phản thịt.

 

Dĩ nhiên giá mỗi ký thịt xay cũng hữu nghị, tối đa 30.000 đồng/kg. Đây cũng là mặt hàng khá hút khách. Người mua cứ tự nhiên lấy cái xẻng con xúc vào túi ni-lông đặt lên bàn cân rồi móc tiền trả.

 

Ông Quân vừa xúc vừa bảo: “Tất cả các quán cơm bụi đều phải có món này. Chỉ cần phi hành mỡ thật thơm, bỏ thêm chút gia vị, rồi rang cháy cạnh sẽ có món thịt băm rang thơm nức mũi. Còn thêm tí miến, giá, mộc nhĩ vào thành món nem rán. Quấn lá lốt thành chả rán. Vừa tiện vừa rẻ”.

 

Thủy hải sản: Dịch tả là cái chi chi?

 

Đi qua mấy chục phản thịt lợn, tôi đến hàng tôm cá cũng đắt khách không kém. Trên mẹt, hàng trăm con cá nằm phơi mình trắng phếch, ấn tay vào thịt mềm nhão.

 

Loại cá này giá cả trên thị trường thường dao động khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng ở chợ này chưa đến 20.000 đồng/kg.

 

Đi khắp mấy chục hàng bán cá tịnh không thấy một bể nước chứa cá sống nào. Chủ yếu vẫn là cá chết, đã chế biến. Đặc biệt, hôm nay các chủ hàng đã “nhiệt tình” và “cẩn thận” đến mức làm hộ ruột trước lúc bán.

 

Một bà bán cá, quen với ông Quân xì xầm: “Nghe đâu hôm qua ở dưới Yên Sở có nhà nuôi cá bị đánh thuốc trừ sâu. Đánh vào ban đêm nên sáng ra chết cả tấn cá. Hôm qua chúng nó rủ nhau đi Yên Sở là tôi biết ngay rồi...”.

 

Đây là số cá bị đánh thuốc được chủ hồ bán tống bán tháo để gỡ gạc. Để cá không bị ngấm thuốc vào thịt, họ phải mổ bụng, moi ruột vứt đi khi chưa chết hẳn hoặc mới chết.

 

Các chủ hàng cơm cũng không cần lựa chọn, chẳng cần quan tâm đến việc kỳ lạ đó, cứ ngồi trên xe chỉ trỏ: “Cho em bốn ký chim trắng, ba ký mè loại rẻ nhất ấy...” rồi phóng xe ào ào sang hàng khác.

 

Với họ, giá rẻ là được rồi, họ mang về bán cho người ta chứ họ có ăn đâu.

 

Kế bên hàng cá, những hàng mực, tôm, ốc cũng “kinh hãi” không kém. Ốc được khều sẵn ra chậu bán với giá 30.000 đồng/kg. Nhìn thoạt qua ai cũng tưởng lầm là ốc bươu nhưng khi soi lên thật kỹ lại đích thị ốc bươu vàng.

 

Tôm, mực đông lạnh trắng phau được bán với giá bằng 1/2 giá thị trường. Nhiều chủ hàng khi mua mực về tanh nồng, đen thui do túi mực bị vỡ ra. Họ chỉ việc bỏ một ít thuốc tẩy vào thùng nước rồi đổ mực vào, quậy lên. Chỉ 10 - 15 phút sau mực đã trắng tinh, thớ thịt nở ra dày lên trông như có phép màu.

 

Kỳ lạ thay, nhũng hàng tôm cá ở đây tuyệt nhiên không có bóng ruồi.

 

Riêng mấy hàng thịt gà, tuy quân số ít hơn nhưng giá cả cạnh tranh không kém: 30.000 đồng/kg gà công nghiệp, 50.000 đồng/kg gà ta. Điều đặc biệt là tất cả đều là gà đã làm sẵn và không bán kèm theo lòng, mề. Tất cả số gà này không có dấu kiểm dịch và nguồn gốc.

 

Được biết, loại gà giá rẻ này chủ yếu được thu gom từ các trang trại gà ở vùng lân cận. Mỗi buổi chiều, đội ngũ thu gom lại chạy xe có buộc hai sọt đi “nhặt” gà ốm, gà rù, gà bỏ ăn, thậm chí cả gà chết... rồi mang về vặt lông giết thịt để tối mang ra chợ. Với “đầu vào” như vậy chả trách giá lại mềm đến thế.

 

Biến hóa ở khâu chế biến

 

Tò mò xem những loại thực phẩm như thế này được chế biến thế nào, tôi nhờ ông Quân giới thiệu vào thử việc chạy bàn ở một quán cơm bụi trên đường Dương Quảng Hàm. Ngay trưa hôm ấy, tôi đã được chứng kiến “công nghệ” sản xuất cơm bụi hãi hùng.

 

Gian bếp của chủ quán cơm chỉ tầm 6m2 với hai cái chảo to đùng. Ruồi nhặng bâu kín tất cả các vật dụng có mặt ở đây.

 

Chiếc tủ lạnh cũ kỹ, chốc chốc lại long sòng sọc đầy ắp thức ăn thừa. Bên trong tủ, mỡ, bụi bám đen sì khắp nơi. Ngăn làm đá để đựng bia cho khách hàng tỏa ra mùi khăm khẳm của cá ươn.

 

Vớt từ trong nồi ra tảng thịt lợn mua ở chợ đầu mối, bà chủ bảo: “Bỏ ngay vào chậu nước kia kìa cho nó chóng nguội mà thịt lại trắng”.

 

Tôi đang định chùi chậu, múc nước sạch đổ vào ngâm, bà ta giằng lấy quát: “Thừa nước à”. Nói rồi bà ta thả cái tõm tảng thịt buộc chặt bằng dây lạt xuống chậu nước đã váng mỡ vừa rửa bát xong.

 

Thịt chưa kịp nguội cũng là lúc mớ bát đĩa được đưa vào rửa qua vòng. Rửa bát ở đây cũng phải quán triệt tinh thần tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian của bà chủ: chỉ rửa một nước rồi dùng mấy tấm khăn lau khô để còn kịp cho khách kế tiếp dùng.

 

Hết ngày rồi mà thức ăn vẫn ê hề, bà chủ ra lệnh cho các nhân viên “Gom hàng lại, mai bán tiếp”.

 

Thịt, cá trong các món xào được lựa ra, giữ lại, còn rau vứt đi. Đậu rán ế ngày mai sẽ hóa thành đậu sốt cà chua, cá rán sẽ thành cá kho, thịt lợn ế sẽ được băm nhỏ nấu canh hoặc cuốn chả... Dù có ôi thiu đến mấy, với sự hỗ trợ của bột ngọt và gia vị rẻ tiền, chúng cũng sẽ được “tái chế” phục vụ “thượng đế”.

 

Ai mắc dịch tả mặc ai, ta vẫn cứ vô tư

 

Từ đầu tháng Năm đến nay, các bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận hàng trăm ca tiêu chảy, không ít ca đã có kết quả xét nghiệm dương tính với khuẩn tả.

 

Thế nhưng khi cả nước đang sục sôi chống dịch, thực phẩm ôi thiu ở các chợ đầu mối vẫn được mua bán bình thường, chẳng ai kiểm tra. Ở các quán cơm bụi, thực khách vẫn vô tư đánh chén, không hề đề phòng. Chẳng lẽ nước đã ngập đến chân rồi không ai chịu nhảy?

  

Theo Tiếp thị & Gia đình