Những kim loại nặng dễ gây ngộ độc
Những kim loại độc từ thức ăn và môi trường sống sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta và có khuynh hướng “nằm vùng” ở các tế bào da, tóc, móng...
Có rất nhiều cách giải thích về kim loại nặng. Có sách định nghĩa kim loại nặng căn cứ vào số lượng nguyên tử của kim loại, có sách căn cứ vào trọng luợng lớn của nguyên tử kim loại, cũng có sách dựa vào độc tính.
Trong y học, thuật ngữ kim loại nặng được dùng một cách dễ hiểu hơn, bao gồm những kim loại có độc tính cao, bất kể trọng lượng nguyên tử của nó. Dù định nghĩa theo cách nào, những nguyên tố như chì, cadmium, thủy ngân, arsenic... đều là kim loại nặng.
Trong đời sống hằng ngày, những kim loại nặng có thể xâm nhập cơ thể con người và gây ra những rối loạn nghiêm trọng. Dưới đây là những kim loại nặng mà chúng ta rất dễ bị ngộ độc:
1. Chì
Nhiễm chì có thể dẫn đến vô sinh, sẩy thai, mắc phải các rối loạn về thần kinh. Ở trẻ em, chỉ số IQ sẽ không cao, đôi khi có những biểu hiện rối loạn hành vi. Do chì tích lũy dần trong cơ thể một cách chậm chạp nên những triệu chứng sẽ không được nhận biết kịp thời.
Những loại sơn pha chì được sử dụng từ thập niên 1970. Ngày nay, dù những loại sơn có pha chì này vốn không còn được sử dụng trên thị trường nhưng dấu vết của chì trong sơn vẫn tồn tại. Bụi chì cũng xuất hiện ở những căn nhà cũ khi được sửa chữa và dễ dàng xâm nhập cơ thể. Cho đến nay, chì vẫn còn được sử dụng rộng rãi tại nhiều hãng xưởng.
2. Cadmium
Ngộ độc cadmium hiếm xảy ra vì chúng được cơ thể hấp thu rất ít. Tuy nhiên, một lượng nhỏ cadmium cũng có thể tích lũy trong thận, lâu ngày sẽ làm suy chức năng thận.
Tại Việt Nam, ngộ độc cadmium là do hút quá nhiều thuốc lá, uống nước ít. Đôi khi thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc cadmium, chẳng hạn khoai tây và các loại động vật thân mềm.
3. Thủy ngân
Là một chất độc ngấm ngầm, thủy ngân có thể gây ra một loạt triệu chứng, bao gồm rối loạn tâm lý, nhức đầu, chảy máu nướu răng, đau ngực, đau bụng, mệt mỏi kinh niên, dị ứng, nổi mẩn... Ngộ độc thủy ngân có thể xảy ra qua thức ăn, nguồn nước, đôi khi còn do những chất thải công nghiệp.
Thủy ngân được tìm thấy trong pin (tại Úc có quy định pin không được vứt bừa bãi nhằm đề phòng nhiễm độc thủy ngân). Thủy ngân cũng có thể được tìm thấy ở một số loài cá biển. Lợi ích của việc ăn cá có vẻ như “phủ bóng” về những nguy cơ ngộ độc thủy ngân. Tuy nhiên, những phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên ăn một số loại cá như cá nhám và cá mũi kiếm.
4. Arsenic
Kim loại này từng là lựa chọn hàng đầu cho những toan tính độc ác. Khi arsenic xâm nhập cơ thể, nó sẽ tích lũy dần dần và nếu nồng độ đủ cao sẽ gây tử vong. Những trường hợp ngộ độc nhẹ có thể sẽ là “ngòi nổ” cho các bệnh ung thư, các bệnh về tim mạch và đường tiêu hóa. Arsenic vô cơ được dùng trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc để xử lý gỗ. Đốt những loại gỗ được xử lý bằng arsen và hít phải tro của chúng là nguyên nhân ngộ độc phổ biến nhất. Muối hữu cơ của arsenic thường tích lũy trong các loại hải sản có vỏ cứng thì ít độc tính hơn.
Những kim loại độc từ thức ăn và môi trường sống sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta và có khuynh hướng “nằm vùng” ở các tế bào da, tóc, móng... Các thầy thuốc sẽ dựa vào đặc tính này để chẩn đoán qua việc xét nghiệm tóc. Nồng độ độc chất có trong tóc có thể chỉ ra nồng độ tương đương được tích lũy ở những cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.
Cách đây 2 năm, các nhà khoa học đã xét nghiệm lại mẫu tóc của nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven và kết luận rằng ông tử vong do ngộ độc chì.
Bài thuốc giải độc kim loại nặng Hạt ngò rí được dùng nhiều trong gia vị và cũng có nhiều dược tính. Loại hạt này được dùng để giải độc kim loại nặng rất hiệu quả, đặc biệt là thủy ngân, do nó tạo ra một “phức càng cua” có tác dụng “kẹp” các kim loại nặng. Người có công phát hiện đặc tính “càng cua” của hạt ngò rí là bác sĩ Yoshiaki Omura. Để tạo thành “phức càng cua” với kim loại nặng, hạt ngò rí được bào chế dưới dạng cồn thuốc, theo những bước đơn giản sau: Dùng chày cối nghiền nát khoảng 1 chén nhỏ hạt ngò rí rồi cho vào cái hũ miệng rộng, thêm 1 chén rượu vodka, 1 chén nước đun sôi để nguội (tốt nhất là nước cất), sau đó đậy nắp lại lắc đều. Để lọ này ở nơi ấm, mỗi ngày lắc 2 lần và liên tục lắc như vậy trong 2 tuần. Sau 2 tuần, đem lọ cồn thuốc ra lọc lấy nước, bỏ phần xác. Đổ nước cồn thuốc này vào một lọ nhỏ giọt (như lọ thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai...). Liều lượng cho mỗi lần dùng là 15 giọt, mỗi ngày dùng 3 lần. Những người bị dị ứng hoặc có các phản ứng khi sử dụng cồn thì không nên sử dụng. Bảo quản cồn thuốc ở nơi mát và tránh ánh sáng. Thời hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày bào chế. |
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường
Người lao động