Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng dễ nhầm lẫn với bệnh vặt
(Dân trí) - Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng - phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới, với tỷ lệ gấp từ 2-3 lần.
Những tác nhân gây ung thư vòm họng
- Virus Epstein-Barr (EBV): Dựa trên sự tăng cao của kháng huyết thanh anti-EBV có trong máu của các bệnh nhân ung thư vòm họng và sự có mặt của ADN virus trong nhân các tế bào ung thư có thể thấy được vai trò quan trọng của virus này trong nguyên nhân gây bệnh.
- Yếu tố môi trường: Thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói….) dễ bay hơi là một tác nhân sinh ung thư đã được biết tới, gây ung thư biểu mô mũi, xoang trên thực nghiệm.
- Bất thường nhiễm sắc thể: Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm mũi họng đã phát hiện những tổn thương trên các nhiễm sắc thể 3p, 9p, 11q, 13a, 14q và 16q có ảnh hưởng tới vùng chứa các gen ức chế hình thành u.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng
Các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh do nhiều triệu chứng liên quan với các bệnh lý tai mũi họng thông thường nên người bệnh và thầy thuốc dễ chủ quan và bỏ qua.
Dưới đây là các dấu hiệu của ung thư vòm giai đoạn sớm:
- Đau đầu: Thường đau nửa đầu âm ỉ, có lúc đau thành cơn, dễ nhầm với các bệnh lý thần kinh và mạch máu não.
- Ù tai: Khi ung thư vòm họng xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, người bệnh thường xuyên bị ù tai một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai.
- Ngạt mũi: dấu hiệu này xuất hiện tăng dần, ban đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc một và kèm theo triệu chứng xì mũi ra máu, chảy máu cam.
- Nổi hạch cổ: Hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau thường tình cờ phát hiện.
Các triệu chứng được liệt kê ở trên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Tuy nhiên, chú ý kỹ một chút người bệnh có thể phân biệt được một đặc điểm chung của bệnh ung thư vòm họng là các dấu hiệu thường xuất hiện ở một bên và nặng dần theo thời gian, sử dụng điều trị thuốc vẫn không khỏi.
Khi có các dấu hiệu trên ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, để nội soi vòm họng kiểm tra phát hiện sớm. Đồng thời, bệnh nhân cần khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Ung thư vòm họng được điều trị như thế nào?
Ung thư vòm họng được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng, soi vòm họng, khám hạch kết hợp với các xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học tại vòm hoặc tại hạch. Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp ung thư vòm mũi họng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 6 tháng đến 1 năm.
Sau khi được phát hiện, ung thư vòm họng có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
Xạ trị
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), đối với ung thư vòm họng giai đoạn sớm xạ trị vẫn là biện pháp quan trọng nhất có thể chữa khỏi với tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt tới 97 -100%. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển tại chỗ thì xạ trị đơn thuần cho thấy tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% - 40%.
Phẫu thuật
Phẫu thuật không có vai trò quá quan trọng trong điều trị triệt căn vì vòm họng thông thường ở vị trí hẹp, thường chỉ áp dụng để sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh học hoặc lấy hạch còn lại sau khi xạ trị.
Hóa trị
Trước đây, hóa trị chỉ áp dụng điều trị bệnh ung thư vòm họng khi đã có di căn xa hoặc tái phát mà xạ trị không còn khả năng kiểm soát. Xu hướng mới hiện nay là hóa- xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển tại vùng bao gồm: điều trị hóa chất tân bổ trợ, điều trị hóa chất bổ trợ, và điều trị hóa chất xen kẽ trong thời gian xạ trị.