Bệnh nhân ung thư gan nên ăn gì, kiêng gì?

Minh  Nhật

(Dân trí) - Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị.

Gan có thể được chia thành bốn thùy dựa trên các đặc điểm bề mặt. Dây chằng liềm có thể nhìn thấy ở mặt trước của gan chia gan thành hai phần: thùy gan trái và thùy gan phải.

Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.

ung_thu_1

Năm 2018, tại nước ta có 25.404 người tử vong vì ung thư gan và hơn 25.000 trường hợp mắc mới. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm ung thư gan có thể chữa khỏi. Tuy nhiên người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn bệnh tiến triển, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư gan

Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. 

Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:

- Chán ăn

- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải

- Chướng bụng.

- Vàng da, củng mạc mắt,…

ung_thu_2

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:

- Sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn.

- Luôn có cảm giác ngứa.

- Chướng bụng.

- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải.

- Vàng da, củng mạc mắt.

- Đi ngoài phân trắng/bạc màu. 

Tiên lượng ung thư gan

Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh tiên lượng tốt khi phát hiện ở giai đoạn sớm, thể trạng bệnh nhân tốt, không kèm theo các bệnh lý về gan (xơ gan, viêm gan virus…).

Bệnh tiên lượng xấu khi phát hiện ở giai đoạn muộn, thể trạng kém, kèm thêm các bệnh lý về gan (xơ gan, viêm gan virus mạn tính…).

Điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức. Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan phải phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tổn thương và tình trạng xơ gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích...

Ung thư gan rất khó chữa khỏi, vì bệnh thường không được phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi điều trị thành công, ung thư gan có thể không bao giờ khỏi hoàn toàn, vì vậy việc theo dõi là rất quan trọng.

Nếu ung thư gan khu trú (khu trú trong gan), tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 28%. Nếu ung thư gan di căn (đã phát triển sang các cơ quan lân cận), tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 7%. Một khi ung thư gan di căn xa (di căn đến các cơ quan hoặc mô ở xa), thời gian sống sót sẽ thấp đến 2 năm.

Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.

Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Ngoài ra tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư gan

Người bệnh nên tránh chỉ ăn một loại thức ăn mà nên đa dạng các món ăn. Món chính có thể ăn cơm, bánh mì, cháo, bánh bao... Thịt nên chế biến hấp luộc thay vì chiên xào.

ung_thu_3

Nên sử dụng dầu thực vật. Người nhà bệnh nhân cần lưu ý bổ sung chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bệnh nhân đặc biệt là protein và vitamin. Chế biến món ăn ngon mắt, hợp khẩu vị để kích thích vị giác của người bệnh.

Ăn các loại thực phẩm tốt cho gan như: Thực phẩm giàu vitamin nhóm B, giàu vitamin C và acid amin.

Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như cá, nội tạng động vật và lòng đỏ trứng; đồng thời cung cấp đầy đủ các loại rau lá xanh và hoa quả như cải xanh, cà chua, củ cải, các loại đậu, cà rốt, nước quýt ép, nước lê, nước táo…

Các nguyên tố vi lượng như magie, tryptophan giúp giảm nhẹ các triệu chứng mất ngủ, sợ hãi, trầm cảm của bệnh ung thư gan. Do đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều magie như hoa quả khô, gạo lứt, lúa mì, vừng, ngô, cà rốt, hẹ, rong biển... Thực phẩm có chứa nhiều tryptophan là thịt gà, thịt bò, sữa chua, chuối tiêu,…

Nên cho người bệnh ăn thức ăn dễ tiêu hóa như quýt tươi, nước ép hoa quả, nước gừng pha đường hay cháo để hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau. Khi ăn bệnh nhân không nên ăn đồ quá lạnh, quá nóng, quá no, nên ăn các loại thực phẩm thanh đạm tốt cho dạ dày và dễ tiêu hóa.