Những biểu hiện đỉa xâm nhập cơ thể
(Dân trí) - Có nhiều loại đỉa có thể xâm nhập vào cơ thể người nhưng phổ biến nhất là loài đỉa Limnatis nilotica. Và khi xâm nhập vào người, đỉa có thể gây nên một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ảnh internet
Những loài đỉa sống ở dưới nước ngẫu nhiên chui vào cơ thể người khi uống nước qua đường miệng hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do tắm lâu dưới nước. Bệnh do đỉa chui vào cơ thể người đã gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Khi uống nước lã, đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi; do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản. Đỉa thường bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản.
Triệu chứng thường gặp là chảy máu liên tục do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu.
Việc điều trị được xử trí tùy theo từng trường hợp. Khi bị đỉa xâm nhập vào các hốc tự nhiên, nên súc miệng bằng nước muối mặn hoặc hít vào chất có mùi cay, mùi hăng. Nếu đỉa bám ở vùng nông, có thể dùng ống soi để gắp đỉa ra; nếu đỉa bám vào ở sâu, phải gây tê và dùng dụng cụ chuyên dùng để gắp đỉa ra; nếu ở quá sâu phải mổ để lấy đỉa. Nếu đỉa chui vào đường sinh dục, dùng nước muối đậm đặc để ngâm hoặc bơm vào cũng có thể có tác dụng làm cho đỉa chết hoặc đỉa tự chui ra.
Phòng chống đỉa xâm nhập vào người bằng biện pháp dùng dụng cụ bảo hộ khi phải tiếp xúc ở những nơi có sự hiện diện của đỉa. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; không tắm ở những nơi ao hồ, sông suối có đỉa hoạt động
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh