Thanh Hóa:
Nhiều thiết bị y tế để "ngắm" và cất kho suốt nhiều năm
(Dân trí) - Do không có bác sĩ chuyên môn, nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chỉ để ngắm và cất kho.
Máy sinh hóa 10 năm vẫn đóng hộp để trong kho
Ông Đinh Thanh Hải, Trưởng trạm Y tế xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), cho biết năm 2015, trạm được tặng 1 máy sinh hóa nước tiểu. Do không có cán bộ chuyên môn biết sử dụng nên hơn 10 năm qua, máy vẫn đóng hộp, để trong kho.
Năm 2018, Trạm Y tế xã Tam Chung được cấp mới 1 máy siêu âm chẩn đoán loại xách tay, thuộc dự án mua sắm trang thiết bị của trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2018.
Sau khi được cấp, 5 cán bộ ở trạm không thể sử dụng do không có chuyên môn. Vì vậy, máy siêu âm này được đơn vị chuyển cho Trung tâm Y tế huyện Mường Lát mượn.
"Mới đây, Trung tâm Y tế huyện đã trả cho trạm. Sau 6 năm có máy, cả trạm vẫn chưa có cán bộ biết sử dụng, máy siêu âm chỉ để ngắm", ông Hà Văn Oái, Trưởng trạm Y tế xã Tam Chung cho hay.
Theo ông Oái, nhiều năm qua, đơn vị được cấp bổ sung nhiều trang thiết bị từ chương trình đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho trạm y tế tuyến xã của Thanh Hóa. Nhưng đa số các thiết bị được cấp không phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Năm 2021, đơn vị được ngành cấp mới 2 tủ lạnh đựng vaccine, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi hết dịch, trạm không có nhu cầu sử dụng nên 2 tủ lạnh này "đắp chiếu", gây lãng phí.
Cuối năm 2023, Trạm Y tế xã Tam Chung được bổ sung thêm một số trang thiết bị như: máy đo đường huyết, huyết áp kế, ống nghe, đèn khám bệnh, cân sức khỏe, bộ thử thị lực mắt, điều hòa…
"Được cấp 2 điều hòa nhưng chúng tôi không có điều kiện dùng nên vẫn đang để nguyên trong hộp, cất ở kho. Thực tế chúng tôi đang rất cần máy tính, máy in, nhưng không được cấp", ông Oái nói.
Thời gian qua, nhiều lần Trạm Y tế xã Tam Chung xin thanh lý hoặc đổi 2 chiếc tủ đựng vaccine, 2 điều hòa để lấy máy tính, máy lọc nước, máy in, bàn ghế làm việc nhưng không được nên đành "đắp chiếu" các thiết bị này.
Một cán bộ y tế "cõng" hơn 1.000 người
Theo ông Ngân Văn Long, Trưởng trạm Y tế xã Mường Lý, xã này có hơn 7.000 nhân khẩu nhưng trạm y tế chỉ có 6 cán bộ, nhân viên y tế (trong đó có 4 y sĩ, 2 điều dưỡng, không có bác sĩ). Do đó, một cán bộ y tế của trạm phải phụ trách hơn 1.000 người.
"Lực lượng mỏng, thiếu bác sĩ làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Vào những đợt cao điểm về tiêm chủng, phòng, chống dịch, các cán bộ y tế phải làm việc quá tải", ông Long cho hay.
Chung thực trạng, Trạm Y tế xã Trung Lý có 6 cán bộ nhân viên nhưng phải lo chăm sóc sức khỏe cho gần 7.000 nhân khẩu trên địa bàn xã.
Ông Đinh Thanh Hải, Trưởng trạm Y tế xã Trung Lý, cho biết hiện đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực là bác sĩ. Bên cạnh đó, do bất đồng ngôn ngữ, địa hình rộng, chia cắt nên chất lượng hoạt động của y tế thôn, bản còn nhiều hạn chế.
Thực trạng thiếu nguồn nhân lực cũng đang diễn ra tại Trạm Y tế xã Quang Chiểu. Đây là địa phương có địa bàn rộng, trải dài trên 13 bản với hơn 4.000 nhân khẩu. Hiện trạm Y tế xã chỉ có 4 cán bộ nhân viên, không có bác sĩ.
Ông Lương Văn Ằng, Trưởng Trạm Y tế xã Quang Chiểu, cho biết địa bàn rộng trên 10km, đi lại khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên những đợt cao điểm về tiêm chủng hay phòng, chống dịch,… cán bộ ở trạm chịu rất nhiều áp lực.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, trạm y tế đã nhiều lần đề xuất với Trung tâm Y tế huyện về việc bổ sung thêm nguồn nhân lực, đặc biệt là 1 bác sĩ đa khoa nhưng chưa được đáp ứng.
Bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết trên địa bàn có 8 đơn vị trạm y tế xã, thị trấn, song chỉ có 4 trạm là có bác sĩ. Trong 4 bác sĩ, duy nhất có một bác sĩ đa khoa, còn lại là bác sĩ dự phòng.
Theo bà Phúc, nhân lực y tế còn nhiều hạn chế chính là nguyên nhân nhiều trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh có mà không thể dùng, gây lãng phí.
"Trong năm nay, đơn vị đăng ký với Sở Y tế, khi nào có lớp đào tạo về chuyên môn như siêu âm, xét nghiệm, sẽ cử cán bộ đi học. Khi có đầy đủ các chứng chỉ, điều kiện, các loại máy như siêu âm, sinh hóa nước tiểu mới có thể vận hành", bà Phúc nói.