Nhiều bác sĩ ngại truyền thông y tế vì sợ... bị "ném đá"
(Dân trí) - Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, ngành y tế còn rất nhiều nội dung để truyền tải đến người dân. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ còn ngại chuyện truyền thông vì sợ bị "ném đá" trên mạng.
Tại hội thảo "Phương thức mới trong truyền thông y tế", diễn ra ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ngày 6/7, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, việc tăng cường truyền thông trong lĩnh vực y tế đã được đề cập trong các Thông tư, Chỉ thị của Bộ Y tế.
Bác sĩ ngại truyền thông vì sợ bị "ném đá"
Bên cạnh truyền tải thông tin sức khỏe phục vụ cộng đồng, ngành y tế còn phải nói cho xã hội, người dân hiểu về ngành, cường độ công việc mỗi ngày của y bác sĩ như thế nào… Hiện nay khi đã có nền tảng mạng xã hội, việc tự truyền thông đã dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Ông Hồi dẫn chứng về một KOL (người có sức ảnh hưởng) trên không gian mạng, trước đây từng rất nghèo và phải mưu sinh ở vỉa hè, nhờ thiết bị công nghệ mà trở thành "chiến thần" bán hàng. Hay một phụ nữ Việt lấy chồng Trung Quốc, phải sang vùng Tây Tạng xa xôi, nhờ làm các video cuộc sống gần gũi, độc đáo mà thu hút và cũng trở thành KOL mạng.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chia sẻ, kể các ví dụ trên để thấy ngành y tế còn rất nhiều nội dung tiềm năng để truyền tải đến người dân. Tuy nhiên, có thực trạng là nhiều bác sĩ hiện nay còn ngại việc truyền thông, vì không muốn nổi tiếng hoặc sợ bị "ném đá" trên mạng xã hội.
Ở chiều ngược lại, đã có nhiều trường hợp đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội, gây nhiều hậu quả xấu, bị xử lý hành chính và cả hình sự.
Do đó, các bệnh viện cần tăng cường truyền thông trong lĩnh vực y tế, để chia sẻ các thông tin đúng đắn đến cộng đồng, cũng là căn cứ để được bảo vệ. Ngoài ra, cần nắm vững bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội lẫn các quy định pháp luật, để không làm sai hay vi phạm vì thiếu hiểu biết.
Tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới KMOLs
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cao cấp chương trình Quan hệ công chúng của một trường đại học quốc tế ở TPHCM cho biết, nghiên cứu đã chỉ ra có 55% người khám chữa bệnh không tiếp thu được nội dung của các cơ sở y tế hay bác sĩ, nếu không được tiếp cận bằng các phương tiện truyền thông yêu thích/mạng xã hội. Họ cũng mong chờ các câu chuyện truyền cảm hứng hơn là số liệu khô khan.
Tuy nhiên, có 66% các cơ sở y tế vẫn sử dụng các phương tiện truyền thống để giao tiếp với người bệnh. Chỉ 57% số lượng nhân viên y tế, bác sĩ được đào tạo bài bản về cách truyền thông mới. Bên cạnh đó, nội dung truyền tải cũng chủ yếu xoay quanh số liệu thống kê, hoạt động thường nhật đơn giản.
"Truyền thông y tế không chỉ mang mục đích cá nhân hay thương mại mà rất quan trọng với y tế cộng đồng, giúp thay đổi ý thức sức khỏe", ông Thăng Long chia sẻ.
Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (T5G) cho biết, truyền thông y tế đang đối mặt nhiều thách thức trong thời đại số, đặc biệt là sự lan truyền của thông tin sai lệch. Việc xây dựng mạng lưới KMOLs (chuyên gia y tế có tầm ảnh hưởng trong xã hội số) sẽ giúp liên kết và chia sẻ kiến thức giữa các chuyên gia, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Phó giáo sư Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng truyền thông cho bác sĩ và điều dưỡng, để họ có thể chia sẻ thông tin chính xác và tạo sự tin tưởng từ người bệnh.
Các chuyên gia hy vọng, sáng kiến xây dựng đội ngũ KMOLs sẽ thúc đẩy các y bác sĩ, nhân viên y tế chủ động và chuyên nghiệp hơn trong việc lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp truyền thông, tạo ảnh hưởng của mình trong việc cung cấp thông tin y khoa chính thống, thiết thực đến với đông đảo người dân.