Nhiều người lầm tưởng thực phẩm là nguyên nhân gây nóng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, dù nhìn nhận dưới góc độ y học hiện đại hay y học cổ truyền thì thực phẩm (như quả vải, nhãn, mận, mì ăn liền…) không phải là nguyên nhân gây nóng như nhiều người vẫn lầm tưởng.

TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, quan niệm thực phẩm nóng bắt nguồn từ y học cổ truyền. Trong đó, tính vị của thực phẩm bao gồm tứ vị là hàn – lương – ôn – nhiệt, tương ứng là lạnh – mát – ấm – nóng. Theo y học cổ truyền, thực phẩm nóng là thực phẩm có tính nhiệt. Tuy nhiên, thực phẩm nóng không hẳn là nguyên nhân gây nóng vì theo y học cổ truyền thì cơ thể mỗi người lại có thể hàn và thể nhiệt khác nhau, nên có người ăn thực phẩm thấy gây ra nóng còn người khác lại thấy bình thường. Vì thế có nhiều người ăn mận, nhãn suốt ngày nhưng cơ thể bình thường, với người khác lại có phản ứng ngược lại.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, xét theo y học hiện đại thì không có thực phẩm nóng – lạnh. Do đó, các loại quả mùa hè như vải, nhãn, dứa hay bất kỳ loại thực phẩm đơn lẻ nào đều không phải là nguyên nhân gây nóng.

Nhiều người lầm tưởng thực phẩm là nguyên nhân gây nóng - 1

PGS.TS Lê Bạch Mai cũng cho biết thêm, đa số mọi người đánh giá thực phẩm nóng – lạnh dựa theo kinh nghiệm bản thân và mang tính truyền miệng. Thực ra, thực phẩm nóng hay lạnh không đơn thuần dựa vào cảm giác gây cay nóng tại cơ quan vị giác, khứu giác, tiêu hóa...mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm thể trạng, tình trạng chuyển hóa và bệnh tật của mỗi người, cũng như thành phần dinh dưỡng của thực phẩm. Có thể là cay nóng với người này là không tốt, nhưng với người khác lại là bình thường thậm chí là tốt.

Nóng đến từ nhiều nguyên nhân – Thực phẩm không có lỗi

Theo PGS Mai, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra “nóng trong”. Trước hết, phải kể đến chế độ ăn uống không hợp lý. Bất cứ sự mất cân bằng nào trong chế độ ăn uống như ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, ăn ít chất xơ (rau củ, trái cây), ăn quá nhiều tinh bột, uống không đủ nước…đều có thể dẫn đến các biểu hiện nóng trong.

Thứ hai là do sử dụng các chất kích thích. Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích (thực phẩm và đồ uống chứa nhiều caffeine) cũng có thể dẫn đến tình trạng nóng trong. Thông thường, các chất kích thích sẽ làm tăng nhịp tim và tăng tốc độ chuyển hoá của cơ thể, cần sử dụng nhiều nước. Do đó, người sử dụng nhiều các chất kích thích thường sẽ có cảm giác nóng trong.

Thứ ba là do sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Đây là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng trong. Các thuốc thường gây nóng trong là thuốc chống dị ứng, thuốc huyết áp, các thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh, thuốc giảm đau, các loại hormone…đặc biệt là khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các tác dụng phụ này sẽ khác nhau tuỳ từng người và do đó, rất khó để xác định xem nguyên nhân nóng trong của bạn có phải do sử dụng thuốc hay không.

Cuối cùng phải kể tới yếu tố mắc một số bệnh lý. Các tình trạng như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ, rối loạn thần kinh cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong. Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong bởi khi đó, cơ thể sẽ sản xuất ra quá nhiều hormone thyroxine, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thừa thyroxine sẽ làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng thân nhiệt và nóng trong.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, nguyên nhân gây nóng trong dưới góc độ y học cổ truyền là do chức năng của phủ tạng yếu, không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, và nóng trong người. Ngoài ra, một số người ở độ tuổi trung niên có nhiều bệnh lý mãn tính không lây nhiễm. Lúc này, hệ thống thải độc yếu đi nên chúng ta thấy nhóm tuổi này thường than phiền về nóng trong người.

Ăn mì ăn liền có gây nóng nổi mụn, nhiệt miệng? 

Trong đối thoại giữa hai chuyên gia, câu chuyện mì ăn liền gây nóng cũng đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ theo cách nhìn khoa học. Cả hai chuyên gia cho rằng, mì ăn liền không phải là thực phẩm gây nóng, cũng như không có mối liên hệ rõ rệt với vấn đề nổi mụn hay nhiệt miệng.

Trước thắc mắc mì ăn liền nóng vì chiên qua dầu mỡ, TS.BS. Trương Hồng Sơn cho biết, thực ra lượng dầu trong mì ăn liền, bao gồm luôn cả gói dầu gia vị chiếm khoảng 10-13g tương đương 13% – 17% trong sản phẩm 75g. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn ăn hết 4 miếng đậu rán thì lượng chất béo bạn nạp vào khoảng 11,3g, tương đương với ăn một bát mì ăn liền. Lượng dầu trong mì cũng chỉ nhỉnh hơn 1g so với việc ăn một bát phở gà bình dân. Tuy nhiên, không thấy mọi người phàn nàn ăn đậu rán hay phở gà gây nóng. Bên cạnh đó, xét về bản chất, dầu (chất béo) cũng không phải nguyên gây nóng dù theo quan điểm y học cổ truyền và hiện đại.

PGS.TS. Lê Bạch Mai cho biết thêm, những người bị nóng với các biểu hiện khó chịu, nhiệt miệng, nổi mụn sau khi ăn mì thường là những người bận rộn, có chế độ ăn uống không hợp lý, thường hay thức khuya, sử dụng nhiều nước ngọt có gas. Những yếu tố này đều góp phần làm rối loạn các quá trình chuyển hóa, hấp thu của thực phẩm trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về hormone, và có thể dẫn đến tình trạng mụn. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên – thuộc nhóm tuổi các hormone giới tính và các tuyến bã nhờn đang hoạt động mạnh mẽ. Sự nổi mụn tình cờ trùng với thời điểm ăn mì khiến mọi người dễ lầm tưởng thực phẩm này chính là thủ phạm tạo ra hiện tượng nổi mụn, gây ra những khó chịu cho cơ thể.

Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40g-50g); 10g -13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal. Chiếu theo phân nhóm thực phẩm thì mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, phở, bánh mì… được coi là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn. Vì thế, khi chế biến mì ăn liền, bạn cũng nên biến tấu, kết hợp với các thực phẩm thuộc nhóm khác để có bữa ăn hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng.

Theo đó, lời khuyên của PGS.TS. Lê Bạch Mai đưa ra là khi ăn mì nên thêm vài nắm rau cải, ít giá đỗ… nhằm cải thiện tình trạng thiếu chất xơ, khoáng chất. Để bổ sung chất đạm, có thể cho thêm vài lát thịt, vài con tôm, một quả trứng giúp bạn có bữa ăn cân đối hài hòa hơn. Trong trường hợp không có thời gian chế biến thì bạn có thể bổ sung thêm trái táo, 1 ly nước trái cây hay 1 viên phô mai.. sau khi có một bữa ăn với mì ăn liền.

Làm thế nào để không bị nóng trong người?

Theo TS.BS Sơn, cân bằng hàn – nhiệt đúng cách sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, có thể chống chọi lại mọi bệnh tật nói chung và tránh vấn đề nóng trong nói riêng. Theo đó, trong chế biến bữa ăn hàng ngày, có thể điều hòa hàn – nhiệt giúp cân bằng dinh dưỡng theo 2 hướng chính sau:

- Phối hợp những thực phẩm mát với những thực phẩm nóng: Ví dụ kho cá (sống dưới nước) với thịt (sống trên cạn); thịt xào hoặc nấu canh với rau, củ.

- Trong một thức ăn, nên tận dụng hết mọi phần ăn được. Ví dụ, rau thì dùng cả thân, lá, rễ, hoa (mướp dùng trái, hoa, lá non; khoai lang ăn cả củ lẫn lá...).

TS.BS Sơn cũng nhấn mạnh, không có thực phẩm nào xấu, quan trọng là chúng ta biết lắng nghe cơ thể và phối hợp các loại thực phẩm với nhau. Mọi người nên thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, để đảm bảo có cả thực phẩm hàn – nhiệt trong chế độ ăn và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

PGS.TS Mai cũng nhấn mạnh rằng mặc dù có những quan điểm khác nhau về quan niệm thực phẩm nóng - lạnh giữa 2 nền y học cổ truyền và hiện đại, nhưng mối liên quan giữa chế độ ăn uống và sức khỏe chính là điều mà cả hai nền y học đã công nhận. Theo đó, chìa khoá để có một cuộc sống khoẻ mạnh chính là thực hiện một chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Để đạt được điều này, khi ăn uống, kết hợp thực phẩm, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm

- Đảm bảo ăn đủ thực phẩm tại 4 nhóm: bột đường (carbohydrate), đạm (protein), béo (lipid), vitamin và khoáng chất

- Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi

- Uống nhiều nước: mỗi ngày cần cung cấp cung cấp 40ml cho mỗi kg cân nặng.

Cuối cùng, nên duy trì việc vận động từ 30-40 phút một ngày để tăng cường sức khỏe.