1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều người giảm thị lực, có ca mù 2 mắt vì bị giang mai

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cho biết, giang mai có thể lây nhiễm hầu hết các bộ phận của cơ thể, trong đó có biểu hiện hiếm gặp gây mù mắt.

Báo cáo tại Hội nghị khoa học "Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục", diễn ra ở TPHCM ngày 1/12, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra.

Bệnh có thể lây nhiễm hầu hết các bộ phận cơ thể. Trong đó, giang mai mắt là biểu hiện hiếm gặp của bệnh giang mai. Tình trạng này có thể ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh giang mai, và đến 50% bệnh nhân giang mai mắt đồng nhiễm HIV. Ở bệnh giang mai mắt, viêm màng bồ đào thường gặp nhất.

Thống kê tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, từ năm 2017 đến nay, đơn vị phát hiện 5 trường hợp giang mai mắt. Trong đó, có 3 trường hợp đồng nhiễm HIV, 4 trường hợp được xác định trong nhóm quan hệ đồng giới nam (MSM).

Nhiều người giảm thị lực, có ca mù 2 mắt vì bị giang mai - 1

Hình ảnh một bệnh nhân bị giang mai mắt (Ảnh minh họa: PK).

Điển hình là một bệnh nhân nam 43 tuổi (quê Long An) có quan hệ đồng giới và đang điều trị nhiễm HIV. Trước đó, anh phát hiện thấy mắt mờ dần đi trong 3 tuần, rồi nổi đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân. Tại cơ sở y tế ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng bồ đào cả 2 mắt.

Khi chuyển đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bệnh giang mai qua kết quả xét nghiệm huyết thanh học dương tính.

Một trường hợp khác là chàng trai 24 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cũng có quan hệ đồng giới nam. Khoảng 1 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân có cảm giác chói mắt và đau quanh mắt, sau đó không nhìn thấy rõ, kèm theo xuất hiện nốt đỏ ở mặt và thân mình.

Bệnh nhân cũng được chẩn đoán viêm màng bồ đào trái, sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính giang mai mắt. Trải qua nhiều ngày điều trị bằng phác đồ kháng sinh Penicillin G, bệnh nhân cải thiện tốt cả về thị lực và thương tổn da.

Gần nhất là trường hợp của một bệnh nhân hơn 20 tuổi, có quan hệ đồng tính và nhiễm HIV, cũng bị phát hiện bị giang mai mắt vào tháng 10, qua các biểu hiện viêm màng bồ đào. Đáng chú ý, bệnh nhân có triệu chứng mất thị lực hoàn toàn ở cả hai bên mắt, nguy cơ mù vĩnh viễn.

Nhiều người giảm thị lực, có ca mù 2 mắt vì bị giang mai - 2

Bác sĩ Thanh Thơ khám bệnh, tư vấn cho một người dân (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Thơ, qua thực tế điều trị, Bệnh viện Da Liễu TPHCM nhận thấy, hiện nay có xu hướng gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung. Trong đó, nhiều nhất là bệnh sùi mào gà, kế đến là bệnh giang mai.

Bác sĩ khuyến cáo, khi được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ mắc giang mai, người dân (đặc biệt là các đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, lưỡng giới, chuyển giới) nên khám toàn diện, nhất là các triệu chứng về mắt và thần kinh, song song với tầm soát các bệnh lý lây qua đường tình dục khác, như HIV, lậu, sùi mào gà… 

"Nếu không nhận ra các biểu hiện ở mắt của bệnh giang mai hoặc điều trị chậm trễ sẽ dẫn đến mất thị giác không hồi phục, mù hoàn toàn", bác sĩ khuyến cáo.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, Hội nghị "Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục" diễn ra gồm phiên toàn thể và 6 phiên đồng thời. Đặc biệt, phiên toàn thể có các nội dung về thực trạng, thách thức và xu hướng hiện nay trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh lây qua tình dục, từ đó, giúp xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống nhiễm khuẩn lây qua tình dục tại TPHCM giai đoạn 2025-2030.