1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tất cả địa phương tại TPHCM đều có người nhiễm HIV

Biên Thùy

(Dân trí) - Tính đến tháng 9, TPHCM có hàng chục nghìn trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 100% phường, xã, thị trấn ở các quận huyện đều báo cáo có người mắc bệnh.

Thông tin được báo cáo tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), diễn ra ngày 30/11.

Tất cả địa phương tại TPHCM đều có người nhiễm HIV

Tính đến tháng 9, TPHCM có hơn 52.600 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, và 100% phường, xã, thị trấn ở các quận, huyện đều báo cáo có người mắc bệnh.

Trong những năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu.

Tất cả địa phương tại TPHCM đều có người nhiễm HIV - 1

TPHCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (Ảnh: Diệu Linh).

Với sự phát triển của các loại thuốc điều trị kháng virus ARV, Liên Hợp Quốc đã đưa ra các mục tiêu 95-95-95 đến năm 2025.

Cụ thể, sẽ có 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ lây truyền HIV. 

TPHCM đã áp dụng nhiều mô hình can thiệp hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên phạm vi toàn địa phương, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị kháng virus trong ngày khi phát hiện nhiễm HIV...

Về việc thực hiện mục tiêu 95-95-95, đến cuối tháng 9, TPHCM đã đạt hơn 93% đối với mục tiêu thứ nhất, hơn 92% đối với mục tiêu thứ hai và 98% đối với mục tiêu thứ ba.

Phát biểu tại buổi mít tinh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu kêu gọi toàn thể xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tất cả địa phương tại TPHCM đều có người nhiễm HIV - 2

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại lễ mít tinh (Ảnh: Diệu Linh).

Đồng thời, ông Châu nhấn mạnh, ngành y tế phải tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống trong việc cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị ARV, để đảm bảo bệnh nhân được điều trị liên tục và cộng đồng được tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

Cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức

Theo thông tin công bố tại buổi mít tinh trực tuyến hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống AIDS, do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/11, tính đến tháng 10, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là hơn 267.300 trường hợp. 

Đáng chú ý, vẫn còn khoảng 40.000 trường hợp nhiễm HIV nhưng chưa tham gia điều trị ARV, khoảng 30.000 người chưa được phát hiện mắc bệnh. Tổng cộng, trên 70.000 người đang là nguồn lây lan HIV trong cộng đồng. 

Việt Nam đã cung cấp dịch vụ PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm ở nhóm người có nguy cơ cao trên 29 tỉnh, thành phố, với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ từ cố định tới lưu động hoặc từ xa, đảm bảo hiệu quả và bảo mật cho người dùng. 

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6, có hơn 111.100 người từng sử dụng PrEP ít nhất một lần, với tỷ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên. Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người sử dụng PrEP. 

Đối với nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện, Việt Nam cũng đã mở rộng mạng lưới điều trị bằng methadone trên tất cả 63 tỉnh thành, với 48.000 bệnh nhân tham gia điều trị ổn định. 

Tất cả địa phương tại TPHCM đều có người nhiễm HIV - 3

TPHCM đã tổ chức thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa - TelePrEP (Ảnh minh họa: HCDC).

Dù vậy, tỷ lệ người có nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV mới chỉ đạt 40%, còn xa mức cần đạt (80%) vào năm 2030. Đặc biệt, chỉ tiêu MSM được điều trị PrEP mới chỉ đạt 17,5% (so với mức 70% cần đạt). 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay, tại Việt Nam, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được những thành tựu quan trọng; nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành và nhân dân ngày càng được nâng lên, hệ thống pháp luật phòng chống HIV/AIDS ngày càng đồng bộ...

Dù vậy, cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch vẫn là mối đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người, ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và các cấp chính quyền cần có sự nỗ lực, chung tay để đạt được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Diệu Linh