Bình Định:
Nhiều khuất tất tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định
(Dân trí) - UBND tỉnh Bình Định đề nghị làm rõ việc có bệnh nhân mổ đi mổ lại 4 lần nhưng bệnh không khỏi mà càng xấu thêm; bệnh nhân chờ mổ gần nữa tháng trời vì bác sĩ làm lơ nhưng lại được mổ ngay chỉ sau bữa ăn cơm “thân mật”...
Không ít bệnh nhân sau khi xuất viện bức xúc gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng phản ánh về một số y, bác sĩ đang làm việc tại khoa Ngoại chấn thương - Bỏng, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, thiếu y đức, tắc trách trong khám chữa bệnh...
Cụ thể là trường hợp anh Nguyễn Văn Hạnh (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) bị gãy chân được bác sĩ mổ đi mổ lại 4 lần tại khoa Ngoại chấn thương bỏng kể từ tháng 5/2013 và chỉ đến khi xin cắt cụt chân mới có cơ may được chữa khỏi. Ở lần thứ nhất, bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Quang Vinh phẫu thuật đặt nẹp kết hợp xương. Hơn 10 ngày sau xuất viện, vết thương chảy dịch, thịt bong ra từng mảng, lộ nẹp cố định xương. Lần thứ 2 được BS Trương Kim Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bỏng mổ tháo nẹp. Lần 3, được BS Vinh và Nhân mổ đặt khung sắt cố định nhưng chân vẫn lủng lẳng, đau đớn. Vết thương viêm nhiễm, chảy mủ nhưng bác sĩ vẫn cho về.
Anh Nguyễn Văn Hạnh (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) trải qua 4 lần mổ nhưng vẫn không khỏi bức xúc kể lại
Đến tháng 11/2013, vì quá đau đớn anh Hạnh nhập viện lần 4 và được BS Hùng mổ tháo hết khung sắt giải thích khó giữ được chân và nên cắt bỏ cho nhanh.
Anh Hạnh, bức xúc nói: “Chân tôi bị gãy chứ không bị dập mà sau 4 lần mổ, chân không khỏi mà càng nặng thêm. Lần thứ 5, bác sĩ đã lên lịch cắt chân nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi xin xuất viện về nhà. Sau này, có bác sĩ cùng khoa biết hoàn cảnh nên nói tôi chuyển sang bệnh viện TP Quy Nhơn để mổ miễn phí nếu không thì chân tôi đã bị cắt rồi”.
Hay trường hợp gia đình bệnh nhân Trịnh Kim Trung (19 tuổi, ở xã An Cư, H.Đak Pơ, Gia Lai) cũng làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo BS Nguyễn Quang Vinh tắc trách khiến bệnh nhân này suýt mất bàn tay.
Theo đó, chiều 20/10/2013, anh Trung bị thương đứt lìa tay trái phải cấp cứu tại bệnh viên đa khoa thị xã An Khê (Gia Lai). Sau đó, theo hướng dẫn của bác sĩ ở đây gia đình lập tức chuyển đi BVĐK tỉnh Bình Định vào khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại. Tại đây, BS Vinh được mời hội ý kiểm tra để mổ và BS Vinh giải thích với gia đình nên bỏ bàn tay, làm cụt cẳng tay bởi dù có đi Pháp, đi Mỹ cũng không thể nối được.
Dù thất vọng, nhưng may mắn gia đình anh Trung đã liên lạc được với BS Trần Xuân Lợi, Phó chủ nhiệm Khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 211 (tỉnh Gia Lai), hướng dẫn cách bảo quản bàn tay và đưa về lại Gia Lai cứu chữa. Và đến 2 giờ sáng ngày 21/10/2013, BS Lợi tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ và đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa của anh Trung.
Đặc biệt, hơn trường hợp bệnh nhân Nguyễn Dư (78 tuổi, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) được trả lại 10 triệu sau khi bị buộc phải đóng số tiền đó để mổ thay chỏm xương đùi. Và việc trả lại này là nhờ có sự vào cuộc của Sở Y tế Bình Định vào năm 2012. Sở cũng đã yêu cầu Giám đốc bệnh viên nghiêm khắc kiểm điểm quá trình giải quyết đơn khiếu nại. Tuy nhiên, trong bản kết luận lại không có bất cứ hình thức xử lý nào với trách nhiệm cá nhân liên quan, cụ thể ở đây là bác sĩ Thái Thanh Bình.
Liên quan đến tình hình trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Việt Mỹ, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, thừa nhận: khoa Ngoại chấn thương - Bỏng là “điểm nóng” nhất mà bệnh viện đang lưu tâm, chấn chỉnh để củng cố cho khoa này được tốt hơn. Quan điểm của bệnh viện là không bao che, nếu bệnh viện sai sót bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm, còn nếu cá nhân sai sót sẽ xử lý theo quy định”.
Doãn Công