Nhiều “hiểm họa” rình rập sức khỏe của người lao động

(Dân trí) - Ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động, làm việc trong môi trường nhiễm độc… hàng loạt những nguy cơ đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng của người lao động. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe cho người làm công ăn lương đang bị các doanh nghiệp “bỏ quên”.

Thống kê từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, trong quý ba năm 2012 trên cả nước xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 2.200 người nhập viện với 15 người chết. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người chủ yếu xả ra tại các khu công nghiệp.

Tình trạng ngộ độc tập thể ở công nhân đang diễn ra dồn dập tại khu vực phía Nam khiến mỗi bữa ăn trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của công nhân. Trên địa bàn TPHCM chỉ trong hai ngày 4 và 5/7 liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc tại các công ty  Trường Vinh và công ty Smart Elegant (đóng tại quận 12) và công ty TNHH Takson Vina (đóng tại địa bàn huyện Hóc Môn) khiến gần 300 công nhân phải cấp cứu.

Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi ám ảnh của công nhân
Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi ám ảnh của công nhân

Tiếp đó, ngày 25/8 gần 60 công nhân tại công ty Cao su Đồng Nai nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy. Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc xảy ra tại Công ty Hansoll Vina (đóng tại khu Công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Vụ ngộ độc này có quy mô lớn với hơn 1.600 người ăn, số người nhập viện lên tới 238 người. Nguyên nhân các vụ ngộ độc trên được cơ quan chức năng xác định là do nguồn thực phẩm không an toàn.

Cùng với ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động đang là hiểm họa đối với người lao động. Mới đây nhất vụ hỏa hoạn xảy ra tại xưởng gỗ Đức Tâm, Đồng Nai khiến một người tử vong, 22 công nhân khác đang phải nằm viện điều trị trong tình trạng bị bỏng nặng. Sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, đa số công nhân làm việc tại xưởng này cho biết họ hoàn toàn không được cơ sở mua bất kỳ một loại bảo hiểm nào. Để giảm chi phí phát sinh, tăng lợi nhuận nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “bỏ quên” quyền lợi của những người làm công cho họ.

Cùng với ngộ độc thực phẩm và tai nạn lao động, môi trường làm việc đang là yếu tố nguy hại tác động tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người lao động. Những yếu tố như: Không khí, ánh sáng, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, rung chuyển, bụi khói, hơi khí độc, hóa chất luôn tồn tại trong môi trường làm việc.

Thường xuyên tiếp xúc với yếu tối nguy cơ, tác hại nghề nghiệp vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhưng người lao động tại hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa được trang bị những phương tiện bảo hộ đúng và đủ tiêu chuẩn. Thực tế trên, khiến đa số công nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe và mắc các bệnh nghề nghiệp. Một nghiên cứu mới được công bố của ông Huỳnh Tấn Tiến cùng đồng nghiệp thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường TPHCM cho thấy môi trường làm việc của người lao động có nhiều yếu tố không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Người lao động đang làm việc trong môi trường không an toàn
Người lao động đang làm việc trong môi trường không an toàn

Theo đó, nghiên cứu được triển khai trên 335.284 mẫu đo môi trường lao động tại 6.565 lượt cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn, tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép chiếm tới 8,25%. Bình quân cứ mỗi lượt đo cho một cơ sở có từ 3 - 5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Nhóm các yếu tố không đạt tiêu chuẩn bao gồm khí hậu, ánh sáng, bụi và hơi khí độc.

Để đánh giá tác động của môi trường lao động đến sức khỏe của công nhân một khảo sát song song được tiến hành trên 606.890 lượt khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Kết quả cho thấy có đến hơn 70% tỷ lệ mắc cáo loại bệnh tai mũi họng, mắt, kế đến là bệnh tiêu hóa, huyết áp, bệnh phụ khoa ở phụ nữ với tỷ lệ gần 45%.

Cùng với các bệnh phổ biến trên, bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, điếc do tiếng ồn, nhiễm độc chì, nhiễm độc hóa chất đang ở mức cao. Theo quy định của Bộ Y tế, người lao động phải được khám bệnh nghề nghiệp định kỳ 6 tháng một lần hoặc 1 năm một lần cho người tiếp xúc yếu tố nguy cơ. Nhưng trên thực tế tại TPHCM chỉ có 39% số đơn vị có nguy cơ (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn) tổ chức khám bệnh cho người lao động. Khi việc quản lý vệ sinh môi trường lao động còn bị bỏ ngỏ như hiện nay thì hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và tuổi thọ của người lao động sẽ không thể tránh khỏi.

Vân Sơn