Nhiều ca Covid-19 nặng, hỏa tốc chuyển bớt bệnh nhân thường đến Quảng Nam
(Dân trí) - Ngày 31/7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 liên tục ra công văn khẩn về việc chuyển bệnh nhân nặng, không mắc Covid-19 từ BV Đà Nẵng về BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Theo đó, để giảm tải cho Bệnh viện Đà Nẵng, tập trung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, ngành y tế sẽ chuyển người bệnh có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính ra khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, chuyển bệnh nhân nặng từ cơ sở này sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng khẩn trương lập danh sách bệnh nhân, bệnh viện chuyển đến, thời gian chuyển, khám đánh giá bệnh nhân trước khi chuyển viện.
Với Sở Y tế các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Tiểu ban đề nghị mỗi tỉnh điều động 5 đội Cấp cứu (1 xe cứu thương, 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng, vào 15 giờ 00 ngày 31/7 để tham gia vận chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng đến các bệnh viện trong khu vực.
Các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam
Ngoài ra, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng có công văn đề nghị Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng rà soát, đánh giá tình trạng các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính đang trong tình trạng nặng, hồi sức tích cực chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị. Lưu ý, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình vận chuyển, tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sang nhân viên y tế và ra cộng đồng trong quá trình vận chuyển.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chuẩn bị đầy đủ điều kiện trang thiết bị, thuốc, nhân lực để tiếp nhận và tổ chức chăm sóc, điều trị tích cực cho các bệnh nhân của Bệnh viện Đà Nẵng chuyển tới. Đồng thời, theo dõi nguy cơ nhiễm Covid-19 và bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa kiểm soát lây nhiễm chéo Covid-19 đối với các bệnh nhân trên.
Bệnh viện Bạch Mai cũng được yêu cầu cử đội ngũ chuyên gia để trực tiếp hỗ trợ chuyên môn và tư vấn các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Tiểu ban điều trị cũng có công văn khẩn khác đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM cử đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Trong đó gồm các chuyên gia về hồi sức tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm.
Cục Quản lý Dược: Tránh hiện tượng găm hàng, tăng giá thuốc
Ngày 31/7, Cục Quản lý Dược cũng có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc về việc để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Theo đó, Cục đề nghị các đơn vị trên chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng thuốc để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và bình ổn giá, tránh hiện tượng găm hàng tăng giá thuốc.
Sở Y tế các tỉnh, thành được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung đã được ban hành về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trường hợp người dân đến mua thuốc để điều trị các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở… cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử (qua ứng dụng NCOVI hoặc Vietnam Health Declaration) hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh việc liên thông kết nối nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn.
Các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin về số lượng tồn kho, tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc phòng, chống dịch Covid-19.