Nhiều bệnh viện thiếu thuốc thông thường lẫn biệt dược
(Dân trí) - Tại Ninh Bình, gói thầu thuốc theo tên Generic có tới 50% đơn vị không lựa chọn được nhà thầu. Bên cạnh đó, một số loại thuốc biệt dược hiện không có để mua.
Thực trạng trên được nêu ra tại Hội nghị báo cáo về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và công tác đấu thầu thuốc mới đây do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Trực tiếp ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã triệu tập các Sở, ngành, cơ sở y tế đến hội nghị để tìm giải pháp giải quyết vấn đề cấp bách này.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình hiện nay thuốc vẫn có đủ để các cơ sở y tế sử dụng trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, không sớm có phương án khắc phục thì việc thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ bị ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mới đây, Sở Y tế Ninh Bình cho biết, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đang phải cân đối để đủ thuốc, vật tư y tế sử dụng trong thời gian 3 tháng tới, khi đang phải chờ có kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc cho kỳ đấu thầu giai đoạn 2022-2024.
Nhiều tháng qua, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, đặc biệt là thuốc ở một số chuyên khoa sâu.
Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị tỉnh Ninh Bình đang tiến hành các bước của việc thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất giai đoạn 2022-2024. Các gói thầu mua thuốc tập trung mới lựa chọn được 112/207 mã hàng hóa.
Nhiều đơn vị khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, tỷ lệ các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu rất cao, như gói thầu thuốc theo tên Generic có tới 50% đơn vị không lựa chọn được nhà thầu; gói thầu vị thuốc cổ truyền có tới 80% đơn vị không lựa chọn được nhà thầu…
Ông Vũ Mạnh Dương - Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho hay, các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư hóa chất là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc biệt dược hiện không có để mua. Đối với thuốc y học cổ truyền hiện chưa có giấy đăng ký lưu hành như quy định tại Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế, có những thuốc đã đấu thầu trúng nhưng vì không có số đăng ký nên không lấy được.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, thời gian qua Sở đã tích cực tổ chức gói đấu thầu mua thuốc tập trung cũng như chỉ đạo các đơn vị tổ chức đấu thầu mua thuốc, vật tư theo thẩm quyền của mình.
"Riêng gói thuốc đấu thầu tập trung tại Sở đã tổ chức đấu xong, các đơn vị cũng đã ký hợp đồng để lấy thuốc. Tuy nhiên, có một số mặt hàng trượt thầu do nhiều nhà thầu không tham dự. Thậm chí có những thuốc không có nhà thầu tham dự, tỉ lệ trúng thầu chỉ đạt khoảng 50%.
Đối với những thuốc trượt thầu, Sở đã xin ý kiến UBND tỉnh Ninh Bình để tổ chức đấu lại. Trong thời gian chờ đấu lại thì Sở chỉ đạo các đơn vị sử dụng các thuốc thay thế, hoặc các đơn vị chủ động mua bằng các hình thức áp giá, chào hàng cạnh tranh hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định" - ông Dương nói.
Ông Ngọc yêu cầu Sở Y tế Ninh Bình thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế và tìm ra vướng mắc để tháo gỡ.
Về thủ tục, trình tự thực hiện việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ngành chuyên môn cử cán bộ tham gia hướng dẫn nghiệp vụ trong trình tự thủ tục mua sắm.
Bên cạnh đó, rà soát lại các văn bản để điều chỉnh, bớt rườm rà, chồng chéo thủ tục hành chính trong quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế…