Nguy cơ vi rút Zika tràn vào Việt Nam trong dịp Tết

(Dân trí) - Vi rút Zika đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, thời điểm cận tết hành khách xuất nhập cảnh đông khiến nguy cơ dịch tràn vào Việt Nam là rất lớn. Bộ Y tế cho biết, sẽ đẩy mạnh các giải pháp, kiểm soát và ngăn chặn dịch.

Chiều 2/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn các phương án phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa đông xuân.


Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu giám sát chặt yếu tố nguy cơ của vi rút Zika tại các cửa khẩu

Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu giám sát chặt yếu tố nguy cơ của vi rút Zika tại các cửa khẩu

Báo cáo tại buổi họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh do vi rút Zika là bệnh nhiễm vi rút Zika cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch.

Tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; trong khi đó hiện nay người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - loại muỗi truyền vi rút Zika.

Để hạn chế nguy cơ bị loại vi rút trên xâm nhập, đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo: Bệnh Zika khó phát hiện và chẩn đoán, chưa có phương tiện chẩn đoán nhanh và thuốc điều trị đặc hiệu; Sự miễn dịch ở cộng đồng của Việt Nam là chưa có vì vi rút này chưa có mặt tại Việt Nam trước đây.

Trong khi đó, theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

Do đó, có 3 vấn đề Việt Nam cần lưu ý: Một là, tăng cường công tác giám sát, với định nghĩa ca bệnh rõ ràng, cụ thể; Hai là, nâng cao năng lực chẩn đoán của Viện Pasteur, TPHCM và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bằng các phương tiện chẩn đoán vi rút Zika; Ba là,cần truyền thông nguy cơ nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng để tầm soát các yếu tố nguy cơ và chẩn đoán bệnh sớm.

Đối với khách du lịch từ vùng có bệnh cần thực hiện truyền thông nguy cơ ngay tại cửa khẩu, tư vấn cho phụ nữ mang thai khi đi đến vùng có dịch. Bởi “vấn đề đáng lo ngại nhất do vi rút Zika gây ra là sự xuất hiện của các chùm ca bệnh teo não chứ không phải vấn đề lây truyền của vi rút. Dù hiện nay, mối tương quan giữa Zika và hội chứng teo não vẫn đang được nghiên cứu để khẳng định rõ ràng hơn”, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết.​

Tại khu vực phía Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho hay: Hệ thống dự phòng đã triển khai 10 điểm giám sát Zika tại các tỉnh thành phía Nam trên cơ sở lồng ghép với chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết.

Về chẩn đoán xét nghiệm Viện Pasteur đang từng bước hoàn thiện việc chẩn đoán, xét nghiệm với hơn 1.000 mẫu phục vụ cho khu vực phía Nam, sẵn sàng ứng phó và phát hiện dịch kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay năng lực xét nghiệm của Việt Nam hoàn toàn có thể xét nghiệm ra ca bệnh nhiễm vi rút Zika trong vòng 6 - 8 tiếng.

Bên cạnh việc giám sát đề nghị khối điều trị giám sát chặt các biểu hiện lâm sàng để ngành dự phòng nhận được những phản hồi tích cực, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo: Nếu không có nhu cầu cần kíp, người dân cần hạn chế đi đến vùng có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai; ngay từ biên giới các cửa khẩu hàng không cần kiểm soát chặt chẽ các đối tượng xuất nhập cảnh từ vùng có dịch; trong nước cần đẩy mạnh việc chẩn đoán, giám sát phát hiện ca nghi ngờ, tuy nhiên triệu chứng không rõ ràng (80% ca bệnh không có biểu hiện) nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán, đây là thách đố rất lớn. Vì thế, phòng bệnh là giải pháp quan trọng cần có sự cảnh giác từ cộng đồng.

Bộ trưởng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, các Viện Sốt rét Ký sinh trùng, Côn trùng, tăng cường giám sát muỗi truyền bệnh Aedes và các hóa chất diệt muỗi để sẵn sàng đối phó với bệnh Zika.

Bà Tiến cho rằng việc diệt nguồn phát triển của muỗi, phải có sự tham gia của người dân, mình cơ quan chức năng làm không xuể. Như tại Singapore, phòng SXH, nhà dân để hố nước đọng sẽ bị phạt cả 100 USD. Còn tại miền Tây Việt Nam phát hiện nhiều ổ muỗi Aedes trong nhà dân ở chậu cây cảnh, lọ hoa bàn thờ lộ thiên ngoài trời, rồi chum, lọ chứa nước…

Ngày 1/2/2016, Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO và thống nhất: Những chùm ca bệnh liên quan đến chứng đầu nhỏ và hội chứng thần kinh Guillain-Barré tại Brazil, kết hợp với chùm ca bệnh tại French Polynesia in 2014 là một sự kiện “không bình thường” và đe dọa y tế công cộng tới các khu vực khác trên thế giới. Với tình huống này, cần có một sự điều phối quốc tế trong đáp ứng nhằm giảm thiểu tác động đối với các quốc gia bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Vân Sơn - Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika