Việt Nam lo ngại vi rút gây bệnh đầu nhỏ xâm nhập

(Dân trí) - Trước sự lây lan dữ dội của vi rút Zika tại khu vực châu Mỹ với khoảng 3 – 4 triệu ca bệnh trong 12 tháng qua, thế giới đang lo ngại dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát. Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ. Bộ Y tế đã họp khẩn trong chiều 29/1 để tìm cách đối phó với nguy cơ dịch xâm nhập.

Chiều 29/1, cuộc họp khẩn do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì, có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Theo GS Long, vi rút Zika hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam do vấn đề giao lưu đi lại giữa các quốc gia, do thời gian ủ bệnh của loại vi rút này từ 3 - 12 ngày. Trong khi đó, hiện đã có đến 27 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.

“Nếu xâm nhập Việt Nam thì khả năng bệnh lây lan rất lớn vì người dân chưa có miễn dịch, véc tơ truyền bệnh là loại muỗi truyền sốt xuất huyết, trong khi đó loại muỗi này đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam”, Thứ trưởng Long nói.

Loại muỗi truyền vi rút Zika chính là loại muỗi truyền sốt xuất huyết lưu hành phổ biến ở nhiều quốc gia.
Loại muỗi truyền vi rút Zika chính là loại muỗi truyền sốt xuất huyết lưu hành phổ biến ở nhiều quốc gia.

Tuy Zika không phải là vi rút mới nhưng lại gây dịch bệnh mới, đó là hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, biểu hiện của căn bệnh này không điển hình, khá giống sốt xuất huyết với các biểu hiện ban đầu sốt, đau cơ nên càng khó chuẩn đoán. Thực tế chỉ có 20% bệnh nhân có biểu hiện điển hình nên thế giới đều lo ngại dịch bệnh này.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới, hiện trên thế giới đã có 27 quốc gia ghi nhận ca bệnh này. Trong đó vụ dịch diễn ra ở Brazil là lớn nhất từ trước đến nay. Bệnh đã ra khỏi khu vực châu Mỹ với các ca bệnh cũng ghi nhận tại châu Á và một số quốc gia ở châu Âu là những người đi từ vùng dịch về càng khiến thế giới lo ngại vì sự lây lan của dịch bệnh.

Bởi ngoài yếu tố muỗi truyền căn bệnh này tồn tại ở hầu hết các nơi trong khu vực châu Mỹ, thì việc cộng đồng không có miễn dịch với vi rút này cũng là yếu tố khiến dịch có nguy cơ bùng phát.

Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu mở rộng mạng lưới giám sát, nếu người bệnh đến khám sốt xuất huyết nhưng chẩn đoán âm tín, lại thêm yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch thì phải nghĩ đến nguy cơ nhiễm vi rút Zika và chuyển mẫu đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, các cửa khẩu tiếp tục sàng lọc thân nhiệt, lưu ý khách đến từ các quốc gia có dịch và khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi trở về từ vùng dịch.

WHO cho biết, bệnh Zika có thể lây truyền qua muỗi đốt, có thể lây qua đường máu mẹ sang con, đường tình dục nhưng rất hiếm.

Mối liên quan giữa Zika và hội chứng đầu nhỏ của trẻ em chưa được khẳng định hoàn toàn. Bởi trên thực tế, có những trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ có xét nghiệm dương tính với vi rút này nhưng một số khác lại có kết quả âm tính.

Tuy nhiên chỉ riêng tại Brazil đã báo cáo hơn 4.000 trường hợp trẻ sinh ra đầu nhỏ là con của những bà mẹ nhiễm vi rút Zika ở thời kỳ mang thai. Hội chứng đầu nhỏ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm